Thiền Sư Lương Sĩ Hằng - Vĩ Kiên (1923-2009)
Thiền sư Lương Sĩ Hằng sinh ngày 13 tháng 11 năm Quý Hợi (nhằm ngày 20 tháng 12 năm 1923) tại Quy Nhơn, thuộc tỉnh Bình Định, Việt Nam trong một gia đình đông con gồm 4 trai 4 gái. Phụ thân là Lương Thâm và mẹ là Lâm Thị. Ông là người Việt gốc Hoa, đã từng giữ chức vụ phụ tá giám đốc dặc trách thị trường cho công ty hóa học Getz Brothers & Co. (Hoa Kỳ) trước năm 1975. Ông có vợ và 2 con gái nuôi. Ông còn nghiên cứu thêm khoa châm cứu và chữa được nhiều người.
Khi còn trẻ, thiền sư bị đau tim và đau thận nên hay có ý chán đời. Sau có cơ duyên gặp được tổ sư Đỗ Thuần Hậu,
ông xin thụ giáo tu hành theo Pháp lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp. Nhờ cương quyết tu hành nên trong ba tháng đầu công phu thiền sư
đã thấy nhiều ấn chứng phi thường về sức khỏe và tinh thần. Tổ sư Đỗ Thuần Hậu liễu đạo ngày 13-11-1967 đã truyền dạy lại cho thiền sư
Lương Sĩ Hằng để tiếp nối công việc truyền bá đạo pháp.
Sau biến cố năm 1975, vì làm việc cho công ty Getz Brothers & Co., ông bị tình nghi có hoạt động tình báo cho chính phủ Hoa Kỳ nên đã bị cầm tù 13 tháng tại trại Cải Huấn B, Vũng Tàu. Trong thời gian bị giam cầm, ông đã châm cứu chữa bệnh và dạy cho những người trong tù phương pháp tu thiền để đạt được sự thanh tịnh và sự thiện lành. Sau đó, gia đình thiền sư bị đưa đi vùng kinh tế mới, thuộc xã Vĩnh Trạch, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên, Miền Tây Việt Nam.
Với sứ mạng hoằng pháp, thiền sư đã rời Việt Nam năm 1978 đến trại tị nạn Fabella, Phi Luật Tân.
Thiền sư đã mang công sức chữa bệnh cho đồng bào tại trại tị nạn và các viên chức người Phi. Nếu có ai phát tâm thì ông lại đem giúp cho các
trại tị nạn Bataan, Palawan và Fabella. Thiền sư còn dành nhiều thì giờ giảng pháp thiền cho đồng bào trong các trại tị nạn.
Năm 1979, thiền sư định cư tại Montréal, Canada và hàng năm theo lời mời của các bạn đạo, thiền sư đã đi thuyết giảng tại khắp các quốc gia trên các lục địa Âu, Á, Phi, Úc, và Mỹ. Tuy tuổi đã cao, nhưng thiền sư cũng không quản ngại nhọc nhằn tiếp tục truyền pháp đến khắp nơi mà đồng bào Việt Nam cần đến hầu giúp họ tìm lấy con đường giải thoát cho chính họ. Thiền sư liễu đạo ngày 23 tháng 9 năm 2009 (nhằm ngày 05 tháng 08 năm Kỉ Sửu) thọ 86 tuổi.
Qua 50 năm hoằng pháp trong nước và tại hải ngoại, thiền sư đã chủ tọa 27 Đại Hội Vô Vi Quốc Tế (1982 - 2009) và dưới sự hướng dẫn của thiền sư, Vô Vi Multimedia Communication (VMC) đã thực hiện được 13 buổi Đại Nhạc Hội Thiền Ca (1995 - 2007). Thiền ca Vô Vi là sự hòa hợp tuyệt vời giữa thơ thiền và nguồn âm nhạc phong phú Việt đang chuyển dần qua nhạc tâm linh dưới mọi lãnh vực từ tân nhạc, cổ nhạc đến nhạc dân tộc và được mệnh danh là Nhạc Tâm Linh Thế Kỷ 21.
Những áng thơ thanh nhẹ, siêu thoát của Thiền sư Lương Sĩ Hằng - Vĩ Kiên đã rung cảm và tạo nguồn sáng tác cho nhiều nhạc sĩ tài danh: Hoàng Thi Thơ, Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Trần Trịnh, Nhật Ngân, Duy Khánh, Chí Tâm, Châu Phố, Phạm Vinh, Phạm Đức Thành.
Các bài giảng của thiền sư để lại rất nhiều đã được thu vào cassette, CD, video, DVD và cũng đã được Hội Ái Hữu Vô Vi in ra thành sách. Các tác phẩm của thiền sư để lại là Chơn Kinh, Nguyên Lý Tận Ðộ, Phụ Ái Mẫu Ái, Bé Tám Bàn Bạc Cùng Các Bạn Khắp Năm Châu, Thực Hành Tự Cứu (Phép Hành Thiền Đời Đạo Song Tu), Thiện Ý, Thư Từ Lai Vãng.
Thiền sư còn minh giải thêm trong các sách sau:
- Kinh A Di Ðà của tổ sư Đỗ Thuần Hậu.
- Địa Ngục Du Kí, Thiên Đường Du Kí của Đào Mộng Nam.