Các Pháp Hành Thêm

Các bạn có thể chọn bất cứ giờ nào thích hợp tùy theo hoàn cảnh để luyện tập. Cần chọn nơi yên tĩnh để thực hành. Các bạn phải tập đều đặn các pháp theo thứ tự sau đây:

  1. Niệm Lục Tự Di Ðà
  2. Thể Dục Trợ Luân
  3. Pháp Lạy Kiếng
  4. Niệm Bát Nhã
  5. Mật Niệm Bát Chánh
  6. Kiểm Điểm Đời Đạo
  7. Chưởng Hưởng Dưỡng Khí

 

Trở về đầu trang top

1. NIỆM LỤC TỰ DI ÐÀ

 

Co lưỡi, răng kề răng, miệng ngậm, dùng ý niệm trên đỉnh đầu Nam Mô A Di Ðà Phật.

Niệm liên tục càng nhiều càng tốt. Có thể Niệm Phật bất cứ lúc nào trong lúc đi, đứng, nằm, không bắt buộc phải nhắm mắt.

Nếu thuận tiện, có thể ngồi như lúc công phu, nhắm mắt niệm Phật.

Trở về đầu trang top

2. THỂ DỤC TRỢ LUÂN

 

Đứng thẳng, lưng thẳng. Hai chân dang ra bằng khoảng cách với chiều ngang của hai vai. Tay thả lỏng. Co lưỡi, răng kề răng, miệng ngậm. Đầu ngón chân co lại, bám trên mặt đất.

Cánh tay duỗi thẳng, từ từ đưa hai tay song song ra phía trước một cách nhẹ nhàng khoảng 30 độ, rồi vẫy bật cổ tay cho hai bàn tay cong lên trên, ngón tay hướng về trước, cánh tay vẫn duỗi thẳng. Rồi từ từ thả hai cánh tay xuống và kéo song song ra phía sau cho hết mức, rồi vẫy cụp bàn tay lên, lòng bàn tay hướng lên trên.

Mỗi lần làm ít nhất 15 phút. Người nào không có đồng hồ có thể đếm 300 cái cho một lần tập (khi đưa hai tay ra sau rồi vẫy cụp lòng bàn tay lên là một cái). Làm nhẹ và chậm chừng nào tốt chừng ấy. Hơi thở vẫn bình thường. Nhớ là đưa lên nhẹ nhẹ rồi mới kéo xuống cho thiệt hết, đằng sau phải đưa lên hết.

 

Giải Thích:

  • Bàn tay thì phải bật lên. Đưa tay lên ra phía sau để kích động huyệt cổ tay, nó liên hệ tới óc. Hai bàn tay phải bật lên và bật ra đàng sau để cho cái đầu ổn định. Mấy ngón chân cũng chạy lên óc. Chú ý rút hậu môn (con trê) lên mỗi khi đưa tay ra phía sau.
  • Nên nhớ môn thể dục này phải được thực hành một cách khoan thai, chậm rãi và nhẹ nhàng.
  • Tại sao cái gì của Vô Vi cũng kêu từ từ? Là để con người học cái nhẫn mà thôi. Chúng ta giáng trần nhiều kiếp, chỉ học có chữ nhẫn mà tới nay chưa xong. Tu cũng muốn mau và cái gì cũng muốn mau hết, mất cái chữ nhẫn. Có mau đi nữa mà thiếu cái sáng suốt thì làm được việc gì. Chúng ta vạn sự phải tự tu, khai triển trong thanh tịnh. Thể Dục Trợ Luân hỗ trợ cho việc điều trị áp huyết cao, dư máu và bịnh trĩ."

(Phương Pháp Công Phu, Culver City, tháng 7, 1982)

Trở về đầu trang top

3. LẠY KIẾNG

 

Đứng thẳng trước kính Vô Vi. Nếu nhà không có kính Vô Vi thì quay về hướng Nam bắt đầu lạy. Trong lúc lạy, co lưỡi, răng kề răng, miệng ngậm, niệm Phật trên đỉnh đầu. Tiếp tục niệm Phật và lạy. Mỗi lần tập 50 lạy như vậy. Hơi thở bình thường.

  1. Tay chắp
  2. Đưa cao lên khỏi đầu
  3. Khom người lạy
  4. Đầu gối, ngón tay, đầu chạm đất

 

Trích lời giảng trong khóa 7 tại Thiền viện Vĩ Kiên, tháng 10, 1987:

"Cho nên các bạn đã đứng trước kiếng Vô Vi rồi quỳ, rồi xá thì cái điển của các bạn chiếu vô đó thì chính bạn làm việc cho bạn chớ có ai làm cho bạn đâu, nhưng mà cái văn minh nó hỗ trợ cho các bạn được nhìn lại thấy rõ. Thấy rõ cái phàm tướng của các bạn, rồi các bạn dùng ý niệm xá đó, là được cơ hội thấy chơn tướng các bạn. Khi mà các bạn thanh nhẹ rồi, chắp tay vừa nhắm mắt là thấy chơn tướng các bạn. Lúc đó, các bạn mới thấy rằng tôi đã đắc đạo, tôi đã mở huệ. Trước cái không mà tôi thấy tất cả, trong một sát na đứng đó mà thấy hết. Cái kiếng Vô Vi nó huyền diệu do bạn chớ không phải do Trời Phật. Tâm của các bạn là tâm Trời Phật, tâm của các bạn là tâm ma quỷ mà các bạn đứng đó các bạn dụng tâm hướng về kiếng, kiếng là tâm. Nếu mà các bạn trược, thì các bạn không thấy cái gì, cũng xá mà thấy cái phàm ngã của bạn mà thôi. Khi cái tâm các bạn nhẹ rồi các bạn xá thấy sự thanh cao, thấy Tiên Phật, thấy cảnh trời, trong một nháy mắt là thấy hết trọi rồi. Cho nên cái kiếng Vô Vi rất huyền diệu cho người tu học trong thực hành mà kiểm chứng mỗi kỳ, mỗi buổi sáng. Nhiều khi các bạn làm sái quấy trong đêm, sáng đứng trước kiếng các bạn sợ, tự động các bạn sợ nhìn mặt thằng này nó sa sút quá (cười...) tự mình sợ, sa sút rồi sẽ đi đâu, mình sợ. Cho nên cái sợ đó nó tạo cái ăn năn, rồi về, mình mới ăn năn, mình mới lo tu nữa. Cái kiếng đó nó nhắc hằng ngày nếu các bạn biết sử dụng nó, chớ đừng cho cái kiếng đó là một vị Thánh gác cửa hay là một vị Thần giữ cửa, cái đó là sai. Mình đã phá mê tín mà trở về với trong lành với cả càn khôn vũ trụ, trở về với thực chất của chính mình, chớ không phải lệ thuộc bởi ai, nhưng mà tại sao chúng ta phải dùng cái ý niệm đức Quan Thánh Đế Quân, ngài là trong cái trung nghĩa. Con người không có trung, không có nghĩa đâu có mùi vị tình đời. Chúng ta xuống đây làm người mà chưa thực hiện được tình đời. Tình đời là sự trung nghĩa mới có tình đời. Con người không có trung nghĩa không có tình đời, xạo, phải không? Cho nên cái giá trị của Quan Thánh thì sánh một vị Phật, bây giờ Ngài là Phật rồi ! Nhưng mà lưu danh đời đời tại thế, lúc nào mà nhắc đến Ngài thì cũng còn sự ảnh hưởng, sự trung nghĩa vô cùng sống động mà nhơn gian ai cũng cảm mến và phục cái tinh thần đó. Chúng ta tu, chúng ta phải nuôi dưỡng được cái tinh thần như vậy, chúng ta mới có cơ hội tiến về Phật giới. Còn tinh thần của ta bất trung, bất tín làm sao mà tiến được Phật giới thì tự mình xác nhận đứng trước kiếng đó nhìn vô thì thấy cái mặt ma quỷ đâu có phải chơn tu đâu. Cho nên cái kiếng đó rất có giá trị, để cho mọi người thưởng thức lấy mình và kiểm chứng sự tu học và không có ỷ lại, không phải đợi ân sư tới điểm đạo. Chính mình có thể điểm đạo cho mình, biết mình, biết trình độ của mình tới đâu, thành ra không có mê tín, phá mê phá chấp là ở chỗ đó. "

CÁCH THƯỢNG KÍNH VÔ VI

 

Kính Vô Vi là biểu trưng cho thanh quang của càn khôn vũ trụ và cũng là biểu trưng cho lòng trung nghĩa.

  1. Cách tốt là thượng kính Vô Vi trong phòng khách, hướng về cửa ra vào hay cửa sổ, nơi sáng sủa, khang trang, có nhiều ánh sáng chiếu vào. Kính nên dùng hình bán nguyệt (nửa hình tròn) vì hình bán nguyệt nhận ánh sáng mặt trăng dịu hơn. Ban ngày thì nhận ánh sáng mặt trời.
  2. Chọn ngày mùng một hay ngày thứ mười lăm (ngày rằm) trong tháng âm lịch để thượng kính.
  3. Kính Vô Vi khi gắn lên tường phải phủ vải đỏ cho đến khi làm lễ thượng kính.
  4. Khi dâng hoa và ngũ quả (năm loại trái cây tượng trưng cho ngũ tạng) thì dùng hoa màu trắng (tượng trưng cho huệ linh) đặt phía bên trái (từ ngoài nhìn vào kiếng). Đức Thầy có dạy phía bên trái mạnh hơn, ngũ quả thì đặt ngay chính giữa.
    Nếu làm ăn buôn bán thì nhớ dâng hoa mỗi ngày, còn không vào mồng một hay rằm thì dâng hoa và ngũ quả.
  5. Đúng 12 giờ trưa, gia chủ đứng trước kính, chắp tay trước ngực và nguyện 3 lần: “Xin Đức Quan Thánh Đế Quân hộ độ cho gia cang chúng con được bình an, tu hành tinh tấn.”
  6. Rồi ngồi trước kính trong tư thế thiền và tập trung ý trí lên trung tâm bộ đầu thầm niệm Nam Mô A Di Đà Phật liên tục từ năm tới mười phút. Xong rồi xá 3 lần.
  7. Mỗi nhà chỉ nên thượng một kính Vô Vi thôi. Nếu bạn nào đã thượng kính rồi mà không phải hình bán nguyệt thì cứ giữ kính cũ.
  8. Trường hợp nếu kính Vô Vi bị vàng ố, đó là bên trên đã rước bớt một phần nạn cho chúng ta và chúng ta nên thay một kính Vô Vi mới.

 

Thầm nguyện trên đỉnh đầu:

  1. Xin mời quý vị chuyển qua kính mới.
  2. Xin Đức Quan Thánh Đế Quân hộ độ cho gia cang chúng con được bình an, tu hành tinh tấn (nguyện 3 lần).

 

Kính cũ có thể dùng để soi mặt hoặc bỏ đi cũng không sao.
Có thể mời thêm bạn đạo đến chung thiền để tăng thêm lòng thành kính và niềm tin.
Mỗi buổi sáng trước khi rời khỏi nhà hay buổi chiều khi trở về, hành giả đứng trước kính Vô Vi, chắp tay trước ngực, thầm niệm trên đỉnh đầu Nam Mô A Di Đà Phật 3 lần, rồi xá 3 cái.

Trở về đầu trang top

4. NIỆM BÁT NHÃ

 

Sau bữa ăn chúng ta phải thành tâm cầu nguyện cho vạn linh bằng cách tập trung ý chí trên đỉnh đầu, trong tư thế ngồi, đầu thẳng, rút cằm vô, lưng thẳng, co lưỡi, răng kề răng, miệng ngậm, mắt nhắm lại và ý nhìn từ giữa trung tâm hai chân mày tới trước, bắt ấn Tam Muội và ý thầm niệm (Bát Nhã) 3 lần các câu sau đây: (Phải học thuộc lòng mấy câu này)


Nam Mô Bát Nhã Ba La Mật Đa
Sắc Bất Dị Không Không Bất Dị Sắc
Thời Chiếu Kiến Ngũ Uẩn Giai Không
Thọ Tưởng Hành Thức Diệc Phục Như Thị
Độ Nhất Thiết Khổ Ách
Nam Mô A Di Đà Phật

 

Niệm 3 lần như vậy, xong chắp tay xá, nghỉ.

Giải Thích:

Vì khi chúng ta ăn, nhờ vạn linh đóng góp cơ tạng mới được phát triển, thì luồng điển ấy chúng ta hướng tâm khi cầu nguyện, ý niệm chứ không nói ra miệng, luồng điển mới đi lên. Có điển trên bộ đầu, cao hơn, nhẹ hơn, để có cơ hội giải thoát vạn linh đồng tiến với chúng ta trong hòa đồng thanh nhẹ.

Nguyện sau buổi ăn là đồng lòng dẫn tiến, còn trước bữa ăn cầu nguyện là ỷ lại thôi chứ không làm gì được hết. Chúng ta gánh vác, giải tiến mới là chơn chánh. Trong ý niệm Nam Mô Bát Nhã Ba La Mật Đa là chuyển chạy và rút liền lên khối óc, tiến hóa đi lên. Nam Mô Bát Nhã Ba La Mật Đa, Sắc Bắt Dị Không, Không Bất Dị Sắc — Đồng đẳng như nhau, sắc cũng là không không cũng là sắc. Thời Chiếu Kiến Ngũ Uẩn Giai Không — Bộ đầu chúng ta không còn nữa mới dẫn tiến lên khối thanh nhẹ, vạn linh đồng tiến ngũ uẩn giai không. Thọ Tưởng Hành Thức Diệc Phục Như Thị — Tất cả đều đồng tu như chính phần hồn đang tiến hóa. Độ Nhất Thiết Khổ Ách, là khi chúng ta co lưỡi răng kề răng, Đông Nam Tây Nam Đông Bắc Tây Bắc, luồng điển đều chuyển chạy, chúng ta cảm thấy nước miếng trong miệng ngọt, niệm như vậy thì mới dẫn tiến được vạn linh trong cơ thể đồng tiến, tất cả mới vượt khỏi sự trần trược khổ ách, nội tâm mới thanh nhẹ.

Trở về đầu trang top

5. MẬT NIỆM BÁT CHÁNH

 

(Dành cho những người đã tu lâu, có điển rút bộ đầu.
Giờ thực hành: từ 06 giờ chiều đến 10 giờ tối)

 

Ngồi trong tư thế Thiền Ðịnh, hướng về phương Nam, đầu thẳng, rút cằm vô, co lưỡi, răng kề răng, mắt nhắm lại và ý nhìn từ giữa trung tâm hai chân mày tới trước, bắt ấn Tam Muội.
Dùng ý niệm Nam Mô A Di Đà Phật (NMADĐP) để điển chuyển chạy trên tám điểm như sau:

  1. Dùng ý niệm Nam Mô A Di Đà Phật (NMADĐP) từ ngay đầu môi trên, cuối cùng chữ Phật nó phải nằm ở chót mũi. Đây là điểm thứ nhất.
  2. Tiếp tục từ chót mũi ý niệm NMADĐP đến điểm thứ nhì là trung tim chân mày (còn gọi là huyệt Ấn Đường).
  3. Từ trung tim chân mày ý niệm NMADĐP đến điểm thứ ba là giữa trán.
  4. Từ giữa trán ý niệm NMADĐP đến điểm thứ tư là mỏ ác (huyệt Nê Hườn hay Thiên Môn), khỏi mí tóc, khoảng 3 lóng tay từ chân tóc ở trán đi lên.
  5. Từ mỏ ác ý niệm NMADĐP đến điểm thứ năm là đỉnh đầu (Hà Đào Thành).
  6. Từ đỉnh đầu ý niệm NMADĐP đến điểm thứ sáu là huyệt Ngọc Chẩm (sau ót đối diện với Ấn Đường).
  7. Từ huyệt Ngọc Chẩm ý niệm NMADĐP đến điểm thứ bảy là Huỳnh Đình (cách thức tìm huyệt: để lòng bàn tay qua vai, ngón tay giữa chạm xương sống, điểm đó là Huỳnh Đình. Điểm đó cũng có thể coi là Hiệp Tích, vì Hiệp Tích cũng tới điểm đó).
  8. Từ Huỳnh Đình ý niệm NMADĐP đến điểm thứ tám là trung ương trái cật (huyệt Mạng Môn, ngang với rún).

 

 

Cứ ý niệm để điển chuyển chạy trên tám điểm như vậy 3 lần.

Giải Thích:

Khi chúng ta tu có luồng điển rồi, ý niệm cảm thấy như có ngón tay chạy ngay đến chót mũi, như là ngón tay chỉ ngay cái huyệt, niệm tới chỗ nào nó chỉ ngay chỗ đó, chạy tới chỗ nào nó phải chỉ tới chỗ đó, rõ rệt vậy. Những người có điển niệm thấy nó chạy rõ ràng. Niệm càng lâu tám điểm càng rõ rệt và nó sáng choang ra, con người mới kiểm soát được ngày nay mình không có làm gì bậy bạ. Luồng điển thông thay vì luồng điển nghẹt là không được. Niệm tới hai ba chỗ nó ngưng, đó là nó nghẹt. Lo chuyện đời nhiều quá thì chúng ta nên bỏ, ăn năn sám hối và bỏ; niệm lại thì tự nhiên sẽ thông và sáng. Khi sáng rồi thì con người thanh nhẹ không nói bậy bạ được. Nói đâu cũng là triết lý để dẫn dắt đời tiến hóa.

Người tu chúng ta xuất hồn ra thế gian chỉ đi ở chỗ Ấn Đường này thôi, rồi đi học đạo tại Trung Thiên Thế Giới (giữa trán) rồi tới Bồng Lai (trên mí tóc), rồi tới Phật giới (đỉnh đầu), rồi chuyển ra đằng sau này là chỗ Huỳnh Đình trong cái Tiểu Thiên Địa, rồi tới thận thủy mới cảm minh cái khối kêu bằng thế gian, đại tự nhiên ở thế gian.

Sự kiểm soát này người có điển mới niệm được, còn người không có điển ngồi niệm không được, bấn loạn thêm thôi. Cho nên để dành riêng cho người có điển và cảm giác được phần điển chạy trong cơ thể mới cho nó chuyển chạy như vậy và lập lại trật tự.

Mỗi đêm chúng ta kiểm soát như vậy thì luồng điển không có bị lung lạc và không có hướng ngoại, để kiểm soát chắc chắn thành quả khai triển tâm linh của chính mình. Những người tu lâu niệm tới chỗ nào thì dường như có bóng đèn đỏ nó phải bật cháy sáng liền. Còn những người tu chưa đạt được kết quả cao thì chỉ cảm nhận nó chạy tê tê chút vậy thôi. Còn người thành đạo là phải thấy tám điểm đó nó phải có tám bóng đèn đỏ sáng bừng lên.

Không nên nghe những sự động loạn và không có kiểm chứng rõ rệt. Tôi muốn đem ra tất cả sự thật mà chính tôi lúc tu cũng thử thách ông Tư và tìm hiểu những cái gì sẵn có của Ngài. Và đến ngày hôm nay, tôi đã kiểm chứng từ giai đoạn một tôi đã đi tới, tôi cống hiến cho các bạn. Các bạn tiếp tục tu, kiểm chứng, và kiểm soát lấy các bạn. Tư tưởng nhiều khi bị lung lạc rồi nói bậy. Cho nên chúng ta phải kiểm chứng cho nó rõ rệt, từ giai đoạn một, chúng ta đã đến đó chưa. Không nên nói quá trớn rồi tạo lấy sự sai lầm.

Còn cái phần huệ giác bên trong có mở được chỉ ghi chép vô sách mà thôi, không nên phổ biến vì đó là mọi trình độ khác nhau. Mỗi người mở mỗi giới khác nhau, chỉ ghi vô cuốn sách đó thôi, lưu lại cho hậu thế. Và sau kết luận, chúng ta nói rằng tôi khám phá ra tôi như thế này, thì người khác họ sẽ tiếp tục giữ đúng 3 phương pháp này để học, khám phá nguyên căn và thấy nhiệm vụ của họ khác hơn. Mọi người chúng ta đều có nhiệm vụ tại thế chớ không phải không. Đừng tưởng lầm là tôi xuống đây tôi chơi, không có đâu. Xuống đây là có nhiệm vụ làm việc để lưu lại cuốn sách sinh lão bệnh tử khổ cho thế sanh, và thức tâm tùy theo hoàn cảnh, tùy theo trình độ khác nhau.

(Trích từ video Phương Pháp Công Phu 1989)

Trở về đầu trang top

6. KIỂM ĐIỂM ĐỜI ĐẠO

 

(Dành cho những người đã tu lâu, có điển rút bộ đầu.
Giờ thực hành: từ 05 giờ sáng đến 06 giờ sáng)

 

Trong tư thế ngồi ngay thẳng, đầu thẳng, rút cằm vô, lưng thẳng, co lưỡi, răng kề răng, miệng ngậm, mắt nhắm lại và nhìn từ giữa trung tâm hai chân mày tới trước, ý tập trung trên đỉnh đầu, hai lòng bàn tay úp để trên đùi, chúng ta có ý tưởng kiểm điểm đời đạo đến ngày nay có làm gì bậy, mích lòng ai không, rồi ra sân hít dưỡng khí một hơi từ trên óc xuống bụng luôn. Hít một lượt như vậy 3 lần, thì con người sẽ được khỏe lắm. Mỗi buổi sáng làm đều như vậy.


Nam Mô Bát Nhã Ba La Mật Đa
Sắc Bất Dị Không Không Bất Dị Sắc
Thời Chiếu Kiến Ngũ Uẩn Giai Không
Thọ Tưởng Hành Thức Diệc Phục Như Thị
Độ Nhất Thiết Khổ Ách
Nam Mô A Di Đà Phật

 

Niệm 3 lần như vậy, xong chắp tay xá, nghỉ.

Giải Thích:

"Ta phải tự kiểm điểm để tự tiến tới, không cần so sánh với người khác. Dòm thấy bản mặt của mình, dòm thấy tâm thức của mình. Trầm lặng suy tư, thích hợp trong cái hòa điệu của Thượng Đế đang dẫn giải trong hơi thở của mình."

(Tìm Lẽ Du Dương)

Trở về đầu trang top

7. CHƯỞNG HƯỞNG DƯỠNG KHÍ

 

(Dành cho những người đã tu lâu, có điển rút bộ đầu.
Giờ thực hành: ngay sau khi hành Kiểm Điểm Đời Đạo)

 

Ra giữa trời, hướng nào cũng được, đầu thẳng, rút cằm vô, lưng thẳng, hai tay buông lỏng xuống, co lưỡi, răng kề răng, miệng ngậm, mắt nhắm lại, ý nhìn thẳng từ giữa trung tâm hai chân mày tới trước và tập trung nơi trung tâm bộ đầu, hít vào một hơi.

Hít vào 3 lần như vậy là được rồi. Bộ óc sẽ được thanh nhẹ..

Trở về đầu trang