Vô Vi Từ Ðiển

Để giúp đỡ quý bạn mới tập thiền, chúng tôi xin giới thiệu Vô Vi Từ Ðiển.

Vô Vi Từ Ðiển được trích ra từ các bài giảng của Thiền Sư Lương Sĩ Hằng - Vĩ Kiên nhằm mục đích giải thích các từ ngữ đặc biệt về giáo lý và triết lý của Vô Vi qua các kinh sách hay bài giảng của Vô Vi.



A

Trở về đầu trang top

A DI ĐÀ PHẬT:

A Di Đà Phật hay Vô Lượng Quang Phật là ngôi vị tượng trưng cái lực sáng suốt của càn khôn. Lực sáng suốt này phải làm việc đời đời trong chơn lí, đối kháng lại cái lực ngu muội và kéo lực này đi lên. Cũng như lực ngu muội sẽ đối kháng lại cái lực sáng suốt để trì nó xuống.

Chính sự đối kháng, sự xô đẩy, sự hấp dẫn nhau, của hai lực này đã tạo nên sinh lực tiến hóa không ngừng của càn khôn và nuôi nấng bảo vệ sự sống hằng hữu của chơn lí bất biến. Cho nên, A Di Đà Phật không bao giờ làm tròn lời đại nguyện, để rồi không bao giờ về đến ngôi Chánh Giác!

Thật vậy! A Di Đà Phật luôn luôn ở ngôi vị của cái thanh, cái sáng suốt và không bao giờ ở ngôi Chánh Giác tức là cái Biết Chơn Chánh của càn khôn cả! Tại sao vậy con? Vì cái Biết Chơn Chánh gồm cái Biết Thanh và cái Biết Trược hay nói cách khác là gồm Cái Biết Sáng Suốt và cái Biết Ngu Muội. Hai trạng thái biết này phải thể hiện cùng một lúc để hình thành Cái Biết Chơn Chánh hay Chánh Giác. Ngôi Chánh Giác ấy là ngôi Thượng Đế hay Chơn Lí Tối Thượng vậy.

Cho nên A Di Đà Phật sẽ đời đời ở Ngôi Sáng Suốt chớ không ở Ngôi Chánh Giác, các con nên phân biệt rõ.

(trích từ Thượng Đế giảng Chân Lí)

 

Trở lại back



B

Trở về đầu trang top

BÀNG MÔN TẢ ĐẠO:

Là một hình thức để nói ra những chuyện biểu diễn cái trí khôn của chính họ, rồi dùng cái trí khôn đó để khống chế tư tưởng của người khác, cái đó kêu bằng bàng môn tả đạo, không phải là chơn pháp.

Cái bàng môn này, nó ở trong một cái nơi tâm tư của nó xuất phát ra một cái lề lối riêng biệt và nó không có hòa đồng với những người khác. Nó chỉ cho cái pháp của nó là hay hơn hết và giỏi hơn hết, chẳng có ai sanh bì được, nhưng mà nó chưa hiểu rõ rằng chơn lí là vô cùng tận, cho nên nó còn bị kẹt ở chỗ đó. Nhiều khi thấy biểu diễn rất hay, làm việc này việc nọ rất hay, bùa rất hay, dùng tà điển phát triển rất hay, mà với cặp mắt đời chớ không phải với sự tri giác vô cùng. Nếu áp dụng sự tri giác vô cùng của người tu thiền sáng suốt thì mới thấy rõ cái bàng môn tả đạo và cái đường lối đó, vì trình độ giới hạn thôi.

Cho nên, những người tu cao, người ta không có chấp, thành ra bàng môn tả đạo vẫn hoạt động, mà Thượng Đế cũng không có can thiệp. Nhưng trong Thiên cơ, trong Càn Khôn Vũ Trụ, phải có giờ giấc quy tụ, để làm một cuộc khảo thí cho nhơn sinh, để cho bàng môn tả đạo thức giác là chính cái đó là không có chánh, rồi mới lần lượt trở về Chơn Giác không động.

Trở lại back

BÁT NHÃ:

Người phàm bị kẹt ở trong con tim, không biết Bát Nhã ở đâu? Làm sao mà có cái Bát Nhã?

Cũng là cái trung tim bộ đầu Bồ Đề Tâm của chúng ta phát hiện rồi thì cái sự hướng chuyển đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc, tám hướng, tám ngã xuất phát, chiếu diệu tất cả Càn Khôn Vũ Trụ, mới là được mở, hòa hợp với Bát Nhã của Bề Trên.

Trí Bát Nhã là sự sáng suốt đã sẵn có để chiếu rõ mọi khía cạnh của sự chuyển hướng đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc về điển khí thanh quang.

 

Trở lại back

BẤT MINH NGUYÊN LAI:

Là không hiểu, không hiểu rõ được mình ở đâu đến đây, rồi sẽ về đâu, kêu bằng bất minh nguyên lai.

 

Trở lại back

BỈ NGẠN:

Người ta nói phải có một con sông Bỉ Ngạn! Mà ngay trung tim chân mày chúng ta tu đây xuất phát ra rồi, thì chúng ta mới thấy rõ ràng cái Bỉ Ngạn, nó phải có cái khởi điểm do đâu xuất phát ra mới hòa hợp với Bỉ Ngạn ở Bên Trên.

Cái trung tim chân mày của bạn nó ê ê xuất phát đó và nó đi tới cái thanh nhẹ sáng suốt, thì trong giờ thiền các bạn thấy ở bên này dòm qua bên kia rất rõ ràng, ở bên này con sông dòm qua bên kia sông rất rõ ràng. Đứng đó mà biết bao nhiêu người thanh nhã ở bên kia ngoắc các bạn và các bạn phát tâm từ bên này đi qua bên kia không có khó khăn. Ban đầu thì thấy rất khó khăn! Làm sao tôi có thể qua con sông này? Nhưng mà tôi thanh nhẹ rồi thì thấy tôi qua con sông.

Cho nên con người tu nó mở, nó có cái quầng ở trước trán đó, rồi nó bắt đầu trụ, rồi từ đó nó thanh nhẹ, bước ra phải qua cái Bỉ Ngạn. Từ cái khởi điểm để tiến tới Bỉ Ngạn, thì chúng ta tiến lên rồi, thì sẽ qua khỏi con sông Bỉ Ngạn ở Bên Trên.

 

Trở lại back

BIẾT:

Ở đời họ nói “biết” rất dễ, nói ở đôi môi rất dễ, nhưng mà cái biết nó phải cộng với sự sáng suốt ở bên trong. Mà cái hiểu biết của người đời thì rất nông cạn biết cái đó, biết cái hột nhưng mà không biết cái nguyên lai của cái hột. Còn biết về đạo phải biết về nguyên lai, từ đâu đến, mà làm ra bằng cách nào mới thành ra cái hột.

Bây giờ chúng ta thấy cái li chẳng hạn. Người biết, nói: "Tôi biết cái li này, cái li này do cát tạo thành!" Mà cát do đâu có? Cát do sự điêu luyện của Càn Khôn Vũ Trụ, giữa nóng và lạnh, rồi nó mới kết tinh thành một hột cát, mà một hột cát có thể chiếu diệu, nới rộng nó ra thì nguyên căn của nó cũng như cả một cái vũ trụ càn khôn, vì từ hột cát mà biến thành một thể chất, qua độ nung nóng cực độ thì nó chảy ra thành nước, mà nước rồi nó kết tinh lại thành miếng kiếng trong lành.

Cho nên cái li do cát tạo thành, mà ai tạo? Tự nó biến? Không được, nhưng mà do sự đóng góp của nhân sinh, nhân loại, và do nơi cái trí khôn của nhân loại. Mà cái trí khôn nhân loại do đâu mà có? Trí khôn của nhân loại do sự kết tinh sáng suốt của Càn Khôn Vũ Trụ, vì tôi luôn luôn nói rằng Thượng Đế đã ban trí khôn cho hành giả, rồi mới tìm ra thực chất của vật chất mới biến chế ra sự khôn ngoan, biến chế thành cái li, cái li đựng nước, cái li trong sạch, cái li sáng suốt.

Hồi đầu chúng ta xem hột cát, chúng ta biết đó là hột cát, nhưng mà không biết nguyên căn của hột cát. Nguyên căn của hột cát, nó vốn có sự sáng suốt từ lâu. Cho nên nó biến chất rồi nó trở về nguyên chất của nó: trong lành và sáng suốt. Cho nên mình đổ một li nước, mình dòm thông suốt từ bên này qua bên kia, thì cái phần khí điển của con người, xét vật thể cũng vậy, có thể nhìn thông suốt từ bên này qua bên kia mới kêu bằng biết và hiểu biết.

Cho nên người đời nói biết! Chỉ có một khía cạnh nào thôi. Cho nên nhiều người cũng nói, cũng xưng hô, cũng xưng hô đạo hạnh, cũng xưng đủ thứ, cũng nói tôi biết đạo, biết này biết kia, biết đủ, nhưng mà tới hồi muốn thành đạo, muốn ngộ đạo, chưa sao đi đến được, mà cũng xưng là biết! Cho nên phải có hành trì thực triển thực hành để khai triển luồng thanh điển của chúng ta để hòa hợp với thanh điển của Càn Khôn Vũ Trụ, nhiên hậu mới phản chiếu sự sáng suốt đó, mới kêu bằng biết và hiểu.

 

Thông suốt thì mới biết. Chữ “biết” của người đời là chưa có biết. Miệng nói biết nhưng mà chưa biết đâu! Hỏi chứ đưa hột cát coi thử biết hột cát không? Tôi biết chứ, tôi biết đó là hột cát chứ. Anh chưa biết gì hột cát đâu! Nói thiệt chứ anh chưa biết hột cát! Hột cát nó đại diện cho cả Càn Khôn Vũ Trụ. Do sự điêu luyện âm dương kết tinh nó mới thành một hột cát cứng cỏi như thế đó. Nhưng mà hột cát sáng suốt hơn anh không? Hột cát sáng suốt như anh và thông suốt như anh. Anh tưởng anh học giỏi hơn nó sao? Nó học giỏi như anh. Giỏi chỗ nào? Cho nên người thế gian đem nó ra điêu luyện bằng lửa trui nó, nó mới biến thành chất nước, mới đổ ra cái li thì dòm thấy cái li nó thông suốt từ bên này qua bên kia. Cái sự sáng suốt vô cùng của nó đã có từ đời đời kiếp kiếp! Biết từ bên này, cho tới bên kia mới gọi là biết! Còn biết mà không hiểu thì đó là biết mà không biết.

Những học giả ở thế gian thì học đủ thứ, học lịch sử ông này, ông kia, ông nọ kêu bằng vá víu bởi những sự thành công của những người khác, chứ chính mình chưa phát triển! Tu Pháp Lí rồi mình thấy mình phát triển. Phát triển đâu? Phát triển trong Kinh Vô Tự mới giải được những danh từ như thế này. Cho nên chỉ một cái chữ Biết không, một chữ nó cũng thành đạo rồi. Một chữ đắc thiên kim, đáng giá ngàn vàng. Một chữ thôi đáng giá ngàn vàng là ở chỗ đó! Ai lại không thích được trở về sự thanh nhẹ và tìm được sự thanh nhẹ sẵn có của nó mới thấy giá trị. Một hột cát thôi là biết tất cả Càn Khôn Vũ Trụ! Thấy rõ sự hãnh diện của hột cát và sự vô cùng của hột cát và sự bất diệt của hột cát!

 

Trở lại back

BỊNH:

Bịnh là do tánh sanh. Cái tánh trong đó có gì? Tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, dục. Vì tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, dục mà bất minh thì sanh ra cái gì? Sanh ra cái bịnh hoạn, không có mực thước!

Tham không chịu hướng thượng! Nếu mà tham hướng thượng, thì thanh nhẹ và tham tiến tới sự sáng suốt vô cùng ở bên trên thì đâu có còn tham lặt vặt tại thế?

Sân cũng vậy. Phải có bản chất đó mới làm cái bàn đạp xuất phát đi lên.

Sự Si mê suy nghĩ về sự tiến hóa sẵn có của chúng ta. Ở nội tâm mà hướng thượng thì chúng ta cứ tiến mãi, tiến mãi. Chính sự sáng suốt đó ở trong ta có.

Hỉ là vui vẻ. Vui vẻ mà chấp nhận bất cứ một hoàn cảnh gì xảy đến, luôn luôn ở trong thái độ hoan hỉ, chớ không có thắc mắc đối với người khác, thì đó kêu bằng hướng thượng.Còn Nộ là gì? Nộ là sự nóng nảy, bực tức đó mà hướng thượng thì nó xuất phát và phóng thông đi bất cứ nơi nào.

Ái là khi đã phóng lên được rồi thì mới thức giác, và sau cái thức giác đó, mới thương yêu tất cả. Chính sự sống của chúng ta, không có xung quanh, làm sao chúng ta sống? Mà không có Bề Trên, chúng ta cũng không sống được! Không có sự thanh nhẹ của Càn Khôn Vũ Trụ thì chúng ta cũng không sống được.

Còn Ố là sự đen tối. Mọi người đều có, nhưng mà cái đen tối đó nó cũng có sự hữu ích. Cái bản chất tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, dục là bản chất của Thượng Đế mà trong đó kêu bằng hướng thượng hóa giải tới vô cùng.

Sự ác trược, sự đen tối đó, làm cho mình thấy chậm trễ, nhưng mà mình hướng về sự vô cùng thì nó có cái tánh chất đó. Nhưng mà vô cùng rồi, thì vô cùng tăm tối, vô cùng trược mà chúng ta lấy cái ý chí phóng vào cái sự vô cùng đó, thì sự vô cùng đó sẽ tan và sự tăm tối đó sẽ biến đổi tới sự sáng suốt.

Cái Dục tính của con người cũng vậy nữa. Dục không phải là giao cấu mới là dục, nhưng mà muốn đủ thứ đó là dục. Mà chúng ta dục hướng thượng, chúng ta dục hóa giải, chúng ta dục tiến triển tới vô cùng tận, thì cái dục đó đưa lại sự thanh nhẹ cho chính chúng ta. Thấy không? Cho nên con người nó bệnh ở chỗ nào? Nó bệnh vì sự tri giác của nó nông cạn, nó vun bồi cái tánh tham sân si trong chốc lát mà thôi, vì cái đó mới sinh ra cái bịnh hoạn. Còn nếu nó biết sử dụng tham sân si hỉ nộ ái ố dục tới vô cùng, thì nó đâu có bị kẹt ở trong cái lề lối tham sân si của người đời nữa.

Thì cái tâm nó mới vị tha, cái tâm nó mới thật sự thương yêu và xây dựng cho chính nó và ảnh hưởng những người xung quanh.

Tại sao những người thiền giác càng ngày lại càng thông minh và càng dễ dãi hơn? Là vì nó hiểu nó, nó vun bồi cái thực chất của nó, tiến tới vô cùng thì càng ngày càng sáng suốt hơn.

 

Trở lại back

BÒ BAY MÁY CỰA:

Chúng ta ở trong cái rún sắp xuống, là từ cái Hạ Thừa, trong đó chúng ta thâu thập những luồng trược điển ăn hằng ngày, nó trụ hóa nơi đó. Nó có thứ yếu hèn, nó cục cựa sơ sơ và làm việc ở trong cái phạm vi eo hẹp cũng như con vật các bạn đang ăn đây, cọng rau các bạn đang ăn đây, thì cái sự hóa hóa sanh sanh đó tiến hóa chậm trược. Đó kêu bằng bò bay máy cựa, ở bên trong của chúng ta.

Nhưng mà làm sao để thấy được bò bay máy cựa? Là các bạn tu tới thanh tịnh rồi thì các bạn thấy rằng: cái ngũ tạng này, cái bộ đầu này, cái ngũ uẩn này, nó đại diện cho ngũ tạng, thì cái ngũ uẩn của bộ đầu là bộ óc: cái mỏ ác này là một, cặp mắt này là hai, hai lỗ tai là ba, hai lỗ mũi là bốn, cái miệng là năm. Trong năm bộ phận đó mà các bạn làm Pháp Luân Thường Chuyển rồi, nó đi lên, thì cái ngũ tạng này nó chuyển hướng lên trên, thành ra ngũ uẩn. Trong cái ngũ uẩn giai không, lúc đó các bạn mới dòm thấy bò bay máy cựa trong cái thể xác của cái Hạ Giới từ lỗ rún đi xuống. Khi các bạn nhắm mắt thì từ dưới nó chuyển cựa từ chỗ nào thì các bạn thấy rõ.

Cho nên nói bò bay máy cựa, thì người tầm thường ở thế gian chưa có tu và chưa thức giác, không hiểu bò bay máy cựa là cái gì? Cũng biết sơ sơ những cái đó, những con vật yếu hèn vậy thôi, nhưng mà không biết nó nằm ở đâu?

Cho nên một khi các bạn tu, các bạn làm Pháp Luân Thường Chuyển, cái đó quan trọng lắm. Pháp Luân Thường Chuyển rồi nó dẫn dắt từ từ, từ từ. Hạ Thừa rồi nó chuyển hết trong chín tầng khu ốc của Hạ thừa, rồi mới lên tới Trung thừa, cũng dẫn dắt bò bay máy cựa đi lên.

Cho nên cái tánh con người thường thường hay sân si và hay nghĩ cái chuyện eo hẹp không thể phát triển được, rồi nghi kỵ đủ thứ, đó là chỉ có ứng dụng trong cái tánh của bò bay máy cựa. Cái tánh đó là cái tánh rất yếu hèn, không tự giác. Cho nên chúng ta tu lần lần nó mở, mở, mở lên rồi các bạn cũng có một thời gian các bạn tu, rồi các bạn cảm thấy mình không có trình độ gì, rồi chừng nào các bạn tu khai thông hết bộ đầu rồi, thực hiện tới Bồ Đề Tâm rồi, lúc đó các bạn mới thấy giá trị vô cùng trong cái phương pháp công phu mà các bạn đã đạt được

 

Trở lại back

BỒ ĐỀ:

Bồ đề là cái gì? Người đời thường nói cây bồ đề nó ở bên Ấn Độ, bay qua bên đó để kiếm cây Bồ Đề. Bồ Đề Bổn Vô Thụ (bồ đề là không có cây). Tại sao trong kinh hồi xưa người ta nói “bồ đề bổn vô thụ”? Là vì nguyên căn của nó không phải là cây, mà là Điển. Bởi vì trung tâm điển quang của bộ đầu hòa hợp với Càn Khôn Vũ Trụ mà hóa giải mọi việc nan giải.

Bồ chuyển Đề cập tất cả mọi sự nan giải để hóa giải ra! Cho nên cái Bồ Đề Tâm là chỉ có thanh điển hòa hợp với Càn Khôn Vũ Trụ, chứ còn lấy cái tâm phàm mà nói chuyện Bồ Đề, cái đó là không bao giờ tiến nổi. Phải dùng điển thừa tiếp điển kia kêu bằng “bồ” bịch dựa nương, “đề” nghị và nói đạo.

Xưa Đức Thích Ca ngồi dưới cây mà xung quanh bao nhiêu đệ tử đề nghị và xin hỏi Ngài trong cái tình thương yêu cũng như một, rồi đề nghị chuyện này, chuyện kia, chuyện nọ, rồi Ngài mới giải thích ra. Rồi mới lấy cái ý giải đó mà đặt cho cái cây kia kêu bằng Bồ Đề. Người đời cứ đăm đăm vơ cái cây, nhưng mà cái cây đó là cái cây bị tội đời đời. Cái cây đâu có “thành đạo"! Cái cây đó cũng là một phần hồn bị tan rã rồi bị giam hãm đời đời kiếp kiếp mà thôi. Cũng như cái cọng rau cũng vậy, tâm linh tan rã, thụ trảm bá đao, tưởng là ăn chay thành đạo, cái đó cũng là sai đường lối nữa. Bởi vì chỉ là ăn cho nó nhẹ thôi, nhưng mà cái phần ác ôn nó cũng vẫn còn.

Thử hỏi cái cọng rau nó có “ác” không? Rau là hiền mà tại sao ông Tám nói rau ác? Nhưng mà để lâu ra sâu dòi ăn vô coi có chết không? Nó còn cái sức mạnh đấu tranh của nó, nhưng mà đấu tranh kết cuộc của nó là ác ý. Con muỗi ác, con ruồi ác, con bọ xít ác, vì những phần hồn nó đã tiêu lần lần tới đó nhưng mà tánh chất của nó cũng vẫn còn ác! Hiểu cái đó là hiểu địa ngục. Từ từ bị sa đọa trong sai lầm, nó hao phí mất điển, chỉ còn kết tinh có một chút đó nhưng mà vẫn còn tánh ác. Con muỗi cũng ác, con ruồi cũng ác, con bọ xít cũng ác, thấy rõ chưa?

 

Trở lại back

BỒ ĐỀ TÂM, BỒ ĐỀ BỔN VÔ THỤ:

Xưa có câu: bồ đề bổn vô thụ. Tại sao nói bồ đề? Thế gian người ta dùng cái cây bồ đề trồng ra thành cái cây bồ đề, lá sum sê, cái đó là tại sao? Nhiều kinh sách nói: bồ đề bổn vô thụ, là bồ đề không phải có cây, vậy là cái gì?

Cho nên chúng ta tu rồi, được thanh điển ở trên bộ đầu phóng lên mới hiểu chữ “bồ đề bổn vô thụ” là cái thanh điển của chúng ta trụ trên bộ đầu hòa cảm cả Càn Khôn Vũ Trụ mới biết bồ đề là bổn vô thụ – không có cây. Chỉ có điển mà thôi. Cho nên sự tri giác của người tu thiền mở thanh điển rồi, thì bồ đề tâm nó không còn nằm ở trong cái tâm như ở thế gian, mà suy nghĩ rằng là con tim ngay trong người tu này; nhưng mà cái tâm của nó đã thay đổi rồi, về cái thanh khí điển hòa hợp với thanh khí điển rút bộ đầu tròn vo hòa hợp cả Càn Khôn Vũ Trụ. Đó là cái bồ đề tâm. Bồ đề tâm, khi ai động tới nó, nó hiểu liền, bất cứ một cái gì xảy đến nó chưa dứt lời thì nó đã phát ra những lời chơn chánh, phân giải rõ rệt, kêu bằng bồ đề tâm.

 

Trở lại back

BỒNG LAI:

Là một nơi cảnh tươi đẹp và vạn vật hình như có một trí khôn vô cùng. Đi đến đâu cũng có sự tươi đẹp chuyển giải và thấy thông suốt. Cái cây, cái lá đều ý thức trong chu trình tiến hóa của chính nó.

Cho nên người đi lên tới trên đó, đi lên tới cảnh Bồng Lai Tiên Cảnh, thấy hình như nhẹ nhàng vô cùng, và mùi thơm tho, các vật đều tươi đẹp, màu sắc lộng lẫy. Đó cũng là trong cảnh giới của Tiên Gia.

 

Trở lại back



C

Trở về đầu trang top

CAM LỒ:

Cam Lồ là sự vận hành thủy điển trong cơ thể, rồi nung nấu ở trong cái tinh, khí, thần, kết hợp cái chất tinh trụ hóa ở trên bộ đầu, hòa hợp với sự thanh điển nung nấu của Bề Trên, rồi nó mới tạo ra một cái nước miếng thơm ngọt, chỉ có người tu thiền mới có cái đó, mà khi đạt được tới đó rồi thì những cái bịnh tầm thường trong cơ thể tự nó biến mất, kêu bằng nước Cam Lồ.

Ở trong kinh sách có nói Cam Lồ, nhưng mà không hiểu nó nằm ở đâu. Bây giờ chúng ta tu thiền thì chúng ta mới thấy rõ rằng mỗi đêm các bạn làm Soi Hồn, Pháp Luân Thường Chuyển, Thiền Định, các bạn đã nấu thuốc cho chính mình, cho nên sau khi các bạn làm Pháp Luân Thường Chuyển đầy đủ rồi, thì nước Cam Lồ nó quý hóa lắm, nước miếng ngọt và rất khỏe khi chúng ta nuốt nước miếng đó, tâm can tì phế thận nó thanh nhẹ.

 

Trở lại back

CẤP CÔ ĐỘC VIÊN:

Bây giờ các bạn đi đâu tìm cái Cấp Cô Độc Viên, tưởng ở bên ngoài, trong cái vườn nào?

Đó, thì Ông Tư cũng có giảng ở trong Kinh A Di Đà, thì quy tụ nó cũng ở trong bản thể của chúng ta mà thôi. Cái Cấp Cô Độc Viên mà nếu các bạn không có tu thì các bạn đâu có thấy? Từ cấp giới thanh lọc, thông suốt rồi các bạn thấy một sự dành riêng cho phần hồn để phát triển vô cùng ở bên trong. Nếu không thiền, không thấy rõ. Tưởng là ngoại cảnh, tưởng là đâu!

Cấp Cô Độc Viên: chỉ có phần hồn đi trong bản thể, đi ngang qua chỗ cái đùm ruột ở phía sau đó, thì các bạn thấy rõ là cái cảnh của Cấp Cô Độc Viên, mà chỉ có phần hồn tu thanh nhẹ thì mới thấy được, chứ còn nói ra ngoài đời thì biết giảng cái gì. Bây giờ có giảng cũng không thông. Mà nói cái này là để các bạn thấy rõ rằng ở trong bản thể các bạn có chỗ có nơi, có phong cảnh tươi đẹp, mà mất trật tự làm sao có Cấp Cô Độc Viên?

Cho nên người đời nó sống trong cảnh mất trật tự vì ngoại cảnh mà không hướng nội, thì tự nhiên nó mất trật tự. Rồi đây chúng ta hướng nội, chúng ta tu thét rồi chúng ta mới thấy rõ cái Cấp Cô Độc Viên nó nằm ở đâu?

 

Trở lại back

CHÁNH PHÁP:

Chánh Pháp là sự chơn chánh của phần thanh điển li thân, pháp là khứ giả. Mà cái thanh điển đó, khi các bạn ngồi, các bạn nhắm mắt, các bạn thấy riu riu nhẹ rút đi lên, mà càng đi càng thăng hoa, tâm hồn càng sung sướng, càng nhẹ nhàng thì các bạn mới thấy đó là chánh pháp. Chánh pháp là gì? Là do cái đường mình xuất phát ra, mà mình thấy rõ con đường đó mình sẽ tiến triển đến vô cùng, thì mới kêu là chánh pháp hay là chơn pháp.

 

Trở lại back

CHO:

Khi mà chúng ta muốn ban một món gì cho thiên hạ là chúng ta phải có cái tâm để ban cho họ, thì món quà đó mới có giá trị.

Còn người tu về Pháp lí, cho cái gì? Các bạn có, các bạn mới cho. Các bạn Soi Hồn, các bạn Thiền Định, các bạn gây dựng được cái cơ sở thanh điển, lúc đó các bạn mới cho, ban bố, kêu bằng bố thí cho người khác, gởi cái thanh điển cho người khác. Đó, ban cái điển lành cho người khác nhưng mà không bao giờ suy tính. Không bao giờ nói rằng ta ban cho người. Không! Mình cho, không ai biết, vì cái đó chỉ có mình, mình biết mà thôi. Mình có dư thì mình san sẻ.

Cho nên những người tu thanh tịnh mở những lời dẫn giải rõ rệt để cho người có phàm tánh thiếu tâm linh hiểu rõ nguyên căn của họ và khả năng vô cùng tận của chính họ, để họ tự cứu rỗi lấy họ, đạt tới sự vui vẻ kêu bằng cứu khổ ban vui. Đó là Cho.

Họ tự ý thức thì họ cứu lấy họ được. Mà cứu được rồi thì từ cái khổ đi tới cái vui, từ cái nặng đi tới cái nhẹ. Cái cho đó mới xứng đáng kêu bằng cho.

 

Trở lại back

CHƠN NGÃ:

Chơn ngã là khi chúng ta ý thức được nguyên căn của mọi sự việc là cái bản thể này, về tay chân cử động không phải chánh, nhưng mà về phần điển mới là chánh. Chơn ngã phải thanh nhẹ và sáng suốt ở bên trên, thì mới gọi là chơn ngã. Còn nếu mà còn pha trộn cái phàm tâm thì không còn chơn ngã đâu. Chơn Ngã của nó là phần ý thức riêng biệt của hành giả, tự hiểu lấy thôi, chứ không thể xưng hô với người khác là chơn ngã. Ta đây là chơn ngã! Anh có chơn ngã thì anh hiểu lấy sự chơn ngã của anh. Bởi vì con người phần hồn là vô cùng tận, mà trình độ nó đi tới đó nó ý thức rồi càng đi càng tiến, càng tới càng hiểu, càng minh càng ngộ. Lúc đó nó hiểu rằng: "À! bây giờ tôi mới thấy tôi có chơn ngã. Tôi thấy chơn ngã là sự thật, thực chất của tôi. Thực chất của tôi là vô cùng biến hóa, đụng tới đâu hiểu tới đó."

 

Trở lại back

CÕI SỐNG:

Phải có tâm linh thì cõi sống đó mới có ý nghĩa. Phải có tâm linh thì cõi sống đó mới phát triển được. Phải có tâm linh lúc đó mới thấy rõ ràng sự sống đó là đời đời, mới thích sống. Còn người thế gian nói tôi sống mà nếu tôi không có cái này tôi không sống được.

Tôi yêu anh mà không có anh thì tôi phải chết. Cái đó là yếu hèn, phàm ngã, chớ không ở trong cõi sống. Nói rằng tôi yêu người đó mà không có người đó, tôi phải tự tử, cái đó là yếu hèn, hoang phí của cải của Trời Đất và hoang phí những gì của nhơn quần đóng góp cho mình, rất hổ thẹn.

Cho nên nhiều người đi tới phút cuối cùng rồi tự sửa mình và tự hạ mình, bỏ tất cả những cái gì mà mình cho là hay là giỏi hơn thiên hạ và được người khác ca tụng, mình tưởng đâu là mình đúng thì mình mất cái cõi sống. Mình chỉ sửa mình để tiến, để học hỏi, thì mình thấy cái cõi sống đó thật sự là cõi sống.

Vì tôi chịu dẹp tự ái để tôi học hỏi và tôi tiến hóa và những cái gì tôi có, tôi vẫn chưa có tin. Tôi phải sửa. Cho nên các cõi đó nó từ Hạ Thừa, Trung Thừa, Thượng Thừa đều có cõi sống. Cho nên các cõi đó đều đem lại niềm tin cho hành giả, dẫn tiến hành giả, nếu hành giả chịu thực hiện và hướng về sáng suốt vô cùng, thấy rõ, cái cõi sống đời đời nó có rõ ràng, trong nó và ngoài nó.

Còn những người còn vun bồi cái phàm tánh, sống trong cái ích kỷ, eo hẹp, thì người đó đi trong cõi chết, chớ không phải cõi sống. Dù có ăn học cách mấy đi nữa, mà cái tâm tánh không sửa, không tự hiểu và không thanh tịnh thì người đó đi vô trong cõi chết. Chúng ta thấy rõ trong thành phố H.C.M. bây giờ, sau một cuộc giải phóng rồi thì thấy những người không tu thiền, cái mặt của họ tự động xuống sắc, đau khổ, đòi tự tử. Hỏi chớ họ đang sống trong cõi gì? Cõi chết! Tại sao họ đòi tự tử? Vì sự kiến thức và sáng suốt về tâm linh không có được, không có nữa, thành ra nó bị giới hạn mất rồi, rồi nó lúng túng, nó thấy rằng ngoại cảnh uy hiếp thì nó chỉ nghĩ chuyện chết không. Hai ba ngày nghĩ chuyện tự tử, nghĩ chuyện chết, đó là yếu hèn.

Chứ chính chúng ta có một bản thể, có một cái Tiểu Thiên Địa đầy đủ quyền lực, cũng như một Thượng Đế và có quyền tiến tới sự vô cùng, không có một chế độ nào có thể khống chế chúng ta được. Cho nên những người tu thiền họ thấy đang sống, họ sống trong tâm linh, không phải sống về vật chất mà họ đau khổ.

Cho nên đi tới cái ngày giờ đau khổ cũng như chúng ta thấy Jesus Christ bị hành hạ, Ngài sống trong tâm linh nhưng mà vẫn tươi cười. Thích Ca cũng vậy, tự giam thân vào trong cõi hành hạ ra ngoài rừng mà tu, có phải tự hành hạ lấy mình để đạt tới sự siêu diệu và sống trong sự sống vô cùng không? Những cái ảnh hưởng đó rất tốt. Mà cái quá trình ở đây, chúng ta là người Việt Nam thấy rõ rằng người có thiền ở trong cái chỗ người ta cho là địa ngục của trần gian như ở Việt Nam hiện tại, nhưng mà những người biết thiền họ sống vẫn vui. Có gì đâu? Họ đâu có mất ông Trời, họ đâu có mất thanh khí điển, họ đâu có mất sự sáng suốt? Bởi vì rốt cuộc họ phải bỏ xác vào hòm, họ đến đây với bàn tay không và trở về với bàn tay không, thì việc vun bồi sự sáng suốt để hòa hợp với sự sáng suốt vô cùng, thì ở đâu mà các bạn lại không hòa hợp được?

Ở trong khám tù cũng có thể hòa hợp được, đâu có phải tôi phải có điều kiện, có nhà cửa, có tiền bạc sung sướng, có chồng có con, tôi mới tu được. Không! Tôi có thể xác là tôi tu được rồi. Tôi phải nhờ có sự kích động và phản động thì tôi mới tiến hóa được, thì tôi thấy có cái cõi sống đời đời.

 

Trở lại back

CÔN LÔN SƠN:

Các bạn xuất hồn rồi các bạn mới đi tới chỗ “Côn Lôn Sơn” là để cho vạn linh có ý thức chịu tu mới tới đó, hưởng cái thanh khí nhẹ của Trời Phật, rồi ngồi đó để lo tụng niệm và tiến hóa, nhưng mà nó chậm hơn những người có thể xác. Bởi vì trong cái thể xác này nó cũng phải có điểm tựa phát triển đi lên Côn Lôn Sơn. Cho nên con người xuất hồn mới thấy rõ là cái Côn Lôn Sơn nó nằm ở chỗ nào? Nó nằm ở trên bộ đầu của chúng ta.

Cho nên các bạn đã có cái hình thù của Tiểu Thiên Địa này, các bạn thấy bao nhiêu cây cỏ, bao nhiêu những cây cổ thụ lớn đẹp ở bên trên thì lúc đó chúng ta mới thấy chúng ta có nơi sống và chúng ta xuất ra, chúng ta đi tới một cái đỉnh núi nào đó và tươi nhẹ và sống rất an nhàn mà chỉ có lo tu thôi, chứ không có lo chuyện đời nữa, không có lo chuyện cứu độ, xin xỏ như hồi xưa nữa, chỉ tới đó mà lo tu luyện.

Cho nên người con mà biết tu thì cha mẹ sẽ được hưởng và sẽ được đi tới cảnh đó. Sự liên hệ được hóa giải rồi do sự dày công của người tu mới thấy rõ cái đó.

 

Trở lại back

CÚNG LẠY:

Cúng lạy là sự cung kính để giáo dục lục căn lục trần trong bản thể của chúng ta. Con người hay tự cao, xưng ta đây mà không hiểu ta là ai, cho nên có cái chữ cúng. Cái chữ cúng là nó phải cúi xuống và cung kính, thành tâm, quỳ lạy là chịu xả cái trược, cái sự ngu muội của chúng ta, phân giải sự ngu muội để thu sự sáng suốt của người sáng suốt hơn chúng ta, là Bề Trên thiêng liêng, trong không mà có.

Cho nên cái cúng lạy, ý nghĩa rất đầy đủ nhưng mà người đời không hiểu, sắp bàn đó rồi cũng như cho người ta ăn, rồi quỳ xuống cúng lạy vậy thôi, không biết ý nghĩa của cúng, thì cúng cũng vô ích. Chúng ta cúng là để dẹp tự ái, mà dẹp được tự ái thì mới có sáng suốt! Người tu mà còn tự ái, không còn sáng suốt. Dẹp tự ái mới hướng về thanh nhẹ, thì kẻ hung nó hóa hiền.

xưa người ta đặt sự cúng lạy đó là để tập gì? Tập cho những người kêu bằng ác ôn, không hiểu, không có tâm linh, chậm tiến, mới chỉ độ cho cúng lạy, làm hình nộm thiệt to để cho nó có vẻ sợ và nó cúng lạy. Thì khi nó cúng lạy, nó thấy nó được cứu rỗi. Cứu rỗi ở chỗ nào? Là nó quỳ xuống lạy, cái phần trược điển, ngu muội của nó được giải tỏa ra thì thanh điển sẽ cứu độ nó. Cho nên nó cảm thấy khi nó cúng lạy rồi, nó nhẹ. Đó là đối với những phần tâm linh yếu hèn, còn những phần tâm linh thanh nhẹ không dùng cúng lạy tại thế, nhưng mà thật sự phần hồn phải có lễ nghi gấp triệu lần ở thế gian.

 

Trở lại back

CỬU KHIẾU:

Nó từ sự xuất phát của trung tâm bộ đầu và ngay phía sau cổ đó, thông suốt đi lên, thì các bạn xuất ra, mới thấy rõ cái Cửu Khiếu. Nó ở trong chín từng, mà trong đó từ tối đi tới sáng, nó xuất phát ra, chỉ có người tu thanh nhẹ cái phần hồn mới đi lên trên đó, bước vô trong đó.

Cửu Khiếu này cũng có ở trong Cửu Trùng Đài mà ra, cũng chín giới đó. Cho nên cái này, phải có thực hành rồi mới thấy, còn nếu mà không thực hành thì không sao mà các bạn thấy cái này được.

Cái Cửu Khiếu này nó cũng do chín tầng mà tôi nói là cái khu ốc là hạ, trung, thượng là ba lần chín là hai mươi bảy, rồi nó kết tinh ở bên trên đó rồi nó mới có cái Cửu Khiếu. Từ ở chỗ đó, các bạn xuất ra, các bạn mới thấy rõ.

 

Trở lại back

CỬU TRÙNG ĐÀI:

Cửu Trùng Đài ba giới cũng đều có, cũng hạ, trung, thượng. Mà có chỗ nó không quy tụ thanh nhã, đẹp là nó còn động loạn trong cái hạ giới, trung giới, tới thượng giới, các bạn mới thấy rõ cái tháp Cửu Trùng, chín tầng ở trong Tiểu Thiên Địa trong bản thể của mình. Nhưng mà cái này ráng tu thanh nhẹ thì tự nhiên nó ở đó, chứ không đâu.

 

Trở lại back

CỨU ĐỘ:

Nếu chúng ta muốn cứu độ một người khác, mà chúng ta không biết cứu chúng ta thì cứu người khác cũng vô ích, cứu không nổi vì không hiểu rõ. Nếu chúng ta là người tu thì chúng ta biết tự cứu mình. Đó, như bây giờ các bạn tu ở đây về Pháp Lí, Soi Hồn, Pháp Luân Thường Chuyển, Thiền Định là tự cứu mình; trở lại sự thanh tịnh, khứ trược lưu thanh, nhiên hậu mới độ cho phần hồn tiến hóa, kêu bằng cứu độ. Cho nên phải tự mình cứu mình, rồi độ cho phần hồn tiến hóa, mới ảnh hưởng người khác, chớ không phải là kêu các bạn lấy cái gì mà đi cứu người ta được, bởi vì “bản thân bất độ, hà thân độ” (mình không cứu độ được mình, làm sao mình cứu độ được người khác).

Cho nên ông Trời đã cho chúng ta ngụ trong cái Tiểu Thiên Địa – cho cái phần hồn ngụ trong Tiểu Thiên Địa – rất phức tạp, rất tinh vi, trách nhiệm rất nặng, mà không biết cứu lấy mình, không biết tu, làm sao mà độ cho phần hồn tiến được? Cho nên phải sửa chữa đâu đó cho nó có trật tự, hòa hợp với Càn Khôn Vũ Trụ, nhiên hậu mới độ mình và ảnh hưởng người khác, đó mới kêu bằng cứu độ.

 

Trở lại back



D

Trở về đầu trang top

DI DÂN CHUYỂN KIẾP:

Tất cả đều quy định trong Càn Khôn Vũ Trụ là mọi người xuống thế gian phải học cái bài tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, dục. Rồi hỏi chớ các bạn tu cái pháp thiền này được không? Không có tu pháp thiền này, nhưng cái phần hồn của các bạn chết có tiến hóa không? Vẫn được tiến hóa, mà tiến hóa theo trình độ. Sự sắp đặt di dân chuyển kiếp của Thượng Đế đều có chương trình.

Thì con người: trí thức, thể xác đều hạn chế hết, hạn chế bởi Thượng Đế. Muốn nhiều cũng không được. Nói về tâm đời, dục muốn dục nhiều cũng không được. Muốn đạt tới sự thương yêu cho chính mình hưởng cũng không được. Một thời gian nào rồi cũng phải bỏ ra đi. Thấy không?

Cho nên, trong cái thể xác của con người đều bị giới hạn hết. Mà có cái định luật sanh, lão, bệnh, tử là để cho phần hồn học trong chu trình tiến hóa. Đau khổ quá rồi mới thức giác! Buồn quá rồi lần lần tôi mới tìm ra một cái đường lối để tự giải thoát. Có nhiều người ở thế gian không buồn có đi vô chùa làm gì, không buồn thì đi tìm kinh sách để làm gì? Gia đình tôi vui vẻ quá, tôi đâu có bị gì đâu mà tôi phải lo? Tôi có bị sự hăm dọa của ngoại cảnh đâu mà tôi lo? Nhưng cái sanh lão bệnh tử cho các bạn thấy có sự hăm dọa và có sự cảnh cáo là bạn không có cái khả năng làm một việc gì, ngoài sự học hỏi mà thôi.

Các bạn phải hiểu chúng ta đến đây học cái bài sanh, lão, bệnh, tử, rồi các bạn mới thực hiện được cái từ bi, dũng tiến. Đó, còn nếu các bạn không ý thức được đó là bài học, thì cái sự kiên nhẫn các bạn không có, mà kiên nhẫn các bạn không có thì phàm ngã làm việc mà thôi, nói bậy nói bạ, trách móc người này trách móc người kia, hiểu không tới, thấy không rõ, cứ cho chuyện mình là phải, mà chuyện của người ta là quấy. Cái đó là tự giam mình trong cái phạm vi hạn chế, làm sao mà trở về với mọi trạng thái thương yêu, mà để hưởng cái cảnh đời đời ở bên trên.

 

Trở lại back

DIÊN HỐNG:

Nói chữ diên hống thì ở thế gian làm sao hiểu được. Cái người thiền giác mới thấy rõ. Khai thông cái thận thủy thì cái hỏa hầu mới xuất phát đi lên trên bộ đầu, rồi nó phóng quang ra, rồi nó mới thấy rõ cái diên hống. Nhiều khi các bạn thiền trong mê, ngồi thiền mấy tiếng đồng hồ thấy một cái sáng lạ thường, đó là diên hống xuất phát. Nhưng mà người không thiền thì làm sao mà cắt nghĩa cái diên hống cho nó thấy?

Nhiều người họ chê rằng cái thằng đó tu ngu, ngồi hoài cả đêm để làm cái gì. Là vì nó thấy cái đó, nó sung sướng vô cùng. Mà cái đó đem lại sự thanh nhẹ trong cơ tạng của nó, và lập lại sự bình an cho nội tâm. Cho nên, nó cũng một phần trí thức, cũng một phần ăn học, cũng biết khôn, cũng biết so đo, cũng biết suy tính, chứ nó không phải ngu muội.

Những cái danh từ này mà đi nói với người thường không ai hiểu, mà phải nói với những người kêu bằng thực hành. Mà nói cũng không được nữa. Tâm thức nó mở rồi, tới lúc đó nó tu, rồi nó mở tới đó nó mới hiểu cái danh từ này. Cho nên, Bề Trên cũng không biết lấy cái gì tả, chỉ dùng cái sáng suốt mà độ cho người thôi.

 

Trở lại back



Đ

Trở về đầu trang top

ĐẠI ÂN XÁ KÌ BA:

Kì này là mạt kiếp để cho mọi người khắp cả thế giới được học bài sanh, li, tử, biệt. Mà chính Việt Nam là đứng đầu để thực hiện cái bài vở cho Càn Khôn Vũ Trụ. Thượng Đế đã sắp đặt những bài vở khó khăn như vậy thì luôn luôn phải có hỗ trợ, phải có luồng thanh điển, phải có chư vị sắp đặt làm việc. Mà những người đó đã vượt qua kì một, kì hai của sự sửa đổi của Càn Khôn Vũ Trụ.

Đó, cho nên kì một là con người sanh ra không có sự phức tạp như bây giờ. Nó sống rất đơn giản. Nó sống rừng sống rú, nó cũng có sống kì một, nó không có ngán và không có sợ. Rồi tới kì hai, nó cũng có sự tiến hóa hơn, văn minh hơn kì một, nói về vật chất. Rồi kì ba này, nó lại văn minh hơn nữa. Bây giờ các bạn thấy đứa con nít nó khôn hơn đứa con nít hồi xưa. Đó, các bạn thấy không, nó đi từ kì một, chuyển kiếp phần hồn. Cái phần hồn kì này đứa con nít nó khôn. Có đứa mười mấy tuổi mà nói chuyện như người lớn, thông minh lắm. Mà cái khôn ngoan của con người lại có cái xảo trá đó nó đi tới chỗ sai lầm và tiêu diệt cho cả phần hồn. Cho nên Thượng Đế phải chận lại rồi để giáo dục và ân xá kì ba để khuyến khích con người phải hiểu Nhân Đạo, rồi tiến tới Thiên Đạo.

Cho nên Nhân Đạo thì Thượng Đế đã cho vật chất đầy đủ. Chế độ tự do có đầy đủ hết. Mà nếu còn sai lầm thì bị gì? Bị một cơn khủng hoảng về tâm linh để nhiên hậu mới trở về cái ý thức của chính mình, và hiểu rõ Thượng Đế đã làm gì và chúng ta quá trình ở Việt Nam chúng ta cũng đầy đủ tự do, đầy đủ vật chất nhưng mà quá tham lam. Cho nó một bài học! Thành ra bây giờ mọi người thấy rõ ràng giải nghiệp là gì? Không nhờ sự tham lam của chính mình, bây giờ đâu có thức giác. Bây giờ mới thấy sự thương yêu là quan trọng! Mỗi một người Việt Nam, bỏ xứ quê hương, có nói dóc, nói này nói kia nói nọ, nhưng mà cũng nghĩ đất nước, cũng nhớ quê hương, cũng nghĩ chuyện thương yêu, muốn giúp đỡ những người đau khổ. Đó là gì? Học hàn gắn những sự thương yêu mà thật sự phát tâm. Cho nên nhiều bạn ra đây đi làm không có bao nhiêu tiền, mà bắt được cái thơ bên nhà nói thiếu này thiếu kia thiếu nọ, cũng chạy đùng đùng mua đông mua tây, mua chút đỉnh, rồi cũng gởi quà, nhịn ăn nhịn bớt đi, để cho người khác trong cơn đau khổ. Đó là gì? Các bạn đang thực hiện cái bài thương yêu mà phát tâm thương yêu như vậy. Hỏi cái bài học của Thượng Đế an bài nó quý lắm, mà nếu chúng ta có cơ hội để tiến triển về tâm linh, không dùng vật chất để lôi cuốn chúng làm điều sái quấy nữa. Lúc đó các bạn mới thấy hồng ân của Thượng Đế là ở chỗ nào. Có cắt nghĩa ra thì mới có hiểu, còn nếu không cắt nghĩa thì không bao giờ hiểu cái gì là hồng ân của Thượng Đế. Thượng Đế là ai? Cái thằng Thượng Đế, cái mặt nó ra sao mà cứ khen thằng Thượng Đế! Thượng Đế đó chính là phần hồn của bạn, ở ngay trung tim đang quản lí từ bộ đầu tới ngón chân của các bạn và trách nhiệm cả Càn Khôn Vũ Trụ. Cái Tiểu Thiên Địa này ai làm vua? Chính phần hồn bạn làm vua, là Thượng Đế của Tiểu Thiên Địa. Các bạn tu xuất phát đi lên hòa hợp với Đại Hồn. Lúc đó giờ phút khắc nào bạn cũng sống với Thượng Đế, cũng sống trong thương yêu thì các bạn đã được đổi tánh hẳn; thương vợ vô cùng, thương con vô cùng! Khi bạn ý thức được bạn là Thượng Đế thì vợ bạn cũng là Thượng Đế. Mà ý thức bạn là Phật, thì vợ bạn cũng là Phật. Thực hiện sự thương yêu vô cùng rõ ràng!

 

Trở lại back

ĐẠO TÂM:

Khi thực hiện sự thương yêu vô cùng, và các bạn đi trong cái quân bình, thiện ác các bạn minh rồi, thì nó mới có đạo. Trong cái thiện có ác, trong ác có thiện, các bạn minh rồi, thì cái luồng thanh điển trung tim bộ đầu xuất phát ra, nó hòa cảm cả Càn Khôn Vũ Trụ, lúc đó các bạn mới có đạo tâm, cứu độ người, dẫn giải cho người ta hiểu. Mình biết ăn được một bát cơm ngày nay của Thượng Đế – là ngọc điển của Thượng Đế – thì mình phải tu để hòa hợp với thanh điển, rồi mình đóng góp vô cho cả Càn Khôn Vũ Trụ, không vụ lợi cá nhân, hành trí sáng suốt để trao đổi cho những người còn yếu hèn để cho họ tiến hóa.

 

Trở lại back

ĐAU KHỔ:

Người phàm thường than van là đau khổ! Còn nguồn đạo luôn luôn sống trong đau khổ để tìm chơn lí. Chúa trong đau khổ! Phật trong đau khổ! Quán Âm trong đau khổ mới có Ngài! Con người thế gian đau khổ là than, cầu xin Trời Phật. Là vì sao? Là vì tham. Lòng tham bành trướng nhiều chừng nào thì cảm thấy sự đau khổ chừng nấy, mà lòng tham tiêu diệt rồi thì chẳng còn đau khổ nữa! Cho nên người tu thu hẹp phạm vi không còn tham lam, kể cả sự ăn uống không có cái vấn đề thích ăn, nhưng mà ăn là để cứu độ vạn linh, hòa hợp nhất thể, để khai triển để hòa đồng với Càn Khôn Vũ Trụ. Con thú, con vật, cái rau, cái cỏ, nó cũng muốn cầu tiến. Mà cầu tiến ở đâu? Nó phải qua cái Tiểu Thiên Địa này nó mới có cái cơ hội tiến hóa. Cho nên mình ăn, mình có ý thức rằng mình có trách nhiệm, mình thấy đó là đau khổ, nhưng sau sự đau khổ là cái gì? Là cái sướng. Nó chuyển hóa trong cái Tiểu Thiên Địa này, và chúng ta là người tu Pháp Lí Vô Vi, chúng ta phải hành trì hóa giải cho chúng nó đồng tiến như Chủ Nhơn Ông, trong hạnh ngộ, để hiểu cái chơn giác của Bề Trên. Thì sau cái đau khổ này thì tới cái gì? Cái sung sướng đời đời vô tận. Còn người phàm ở thế gian, chỉ có cái tham không mà than khổ. Còn đạo, phải đi trong khổ mới đạt tới sự vĩnh cửu đời đời. Cho nên các bạn tu gặp tai nạn – cái chuyện thường tình không có nghĩa lí gì. Chúa còn bị nạn, Phật còn bị nạn, mới lưu danh tại thế, mới có cơ hội tiến hóa.

 

Trở lại back

ĐẦU THAI:

Phần hồn chúng ta là một điểm linh quang, phân li bởi Thượng Đế, giáng xuống thế gian; khi đầu thai thì thành thai noãn, đó là Bề Trên đã quyết định rồi. Sau sự ân ái giữa cha mẹ, và phối hợp với thời gian của Càn Khôn Vũ Trụ, cái phần đó di chuyển và cấu tạo thành một cái cơ thai. Nó ở tầng số nào, điển quang nào, đều được quy định hết. Những phần hồn nào sẽ nhập vô đó, cũng như nó vào cái lớp học, cho nên người mà phá thai sẽ bị tội. Cái thai là một cái trường học để cho phần hồn tiến hóa, cho nên chúng ta không nên phá thai khi nó đã thành tựu. Hễ nó thành hình tượng rồi thì không nên phá thai. Nhưng mà phá thai thì đó là gây tội lỗi ác nghiệp. Bởi vì chúng ta đã có một cơ cấu để học hỏi, tại sao chúng ta không cho những phần hồn khác một cơ cấu học hỏi, chúng ta lại trốn tránh trách nhiệm xây dựng của Thượng Đế, của Càn Khôn Vũ Trụ? Đó là chúng ta có lỗi! Cho nên, các bạn phải hiểu rõ, khi đã thành thai, phải cố gắng học cái bài đó, để tiến tới, chớ không nên phá thai. Còn không thì chúng ta phải ngừa trước khi có thai vì sự quyết định của Bề Trên nó phối hợp cả Càn Khôn Vũ Trụ, quyết định của Thượng Đế, của tình thương, của Mẹ tình thương cả thế giới, xây dựng một cơ cấu cho một linh căn xuống đây học hỏi.

 

Trở lại back

ĐỊA NGỤC:

Thiên đàng do tâm, mà địa ngục cũng do tâm. Ở nơi tâm các bạn mà thôi. Nếu cái tâm các bạn mà hướng về cái chơn tâm sáng suốt, thì các bạn thấy các bạn ở thiên đàng rõ ràng. Mà nếu cái tâm các bạn tăm tối, đấu tranh, muốn hơn thiên hạ, thì lần lần các bạn giáng xuống địa ngục, bực bội trong mình.

Luồng điển đó, tâm linh đó bị hạ tầng công tác, cũng làm việc về đời nhưng mà với cái tánh chất sân si, buồn hận. Cho nên cái địa ngục trần gian mà chúng ta đã thoát ra khỏi, thấy rõ so đo từng chút, từng li, nhỏ mọn từng chút, eo hẹp từng chút, không có quảng đại.

Mà địa ngục là gì? Là nơi trừng trị. Phần hồn mà chết rồi xuống địa ngục, là đi vô trong chỗ trừng trị, bị trừng trị, không còn giáo dục bằng lí lời khuyên giải, cũng như được nghe qua những lời thuyết pháp. Chỉ là bị trừng trị, giam hãm, dày xéo từng li, từng chút, để cho phần hồn nó thức giác. Địa ngục chỉ là chỗ trừng trị mà thôi. Chỗ đó tăm tối vô cùng. Bây giờ con người của chúng ta dòm những người, bảo đảm là nó phải xuống địa ngục, các bạn dòm thần sắc của nó, ngôn ngữ của nó đều là sai trái mà không hay, tâm linh mất hẳn, tranh đấu hơn thua với thiên hạ. Rồi nó tưởng nó là hay. Nó tự giam nó. Nó bị kẹt trong cái thế tối tăm, không thoát, buồn tủi, đòi tự tử, đó là đi xuống địa ngục.

Cho nên ông Trời đã cho nó một cái cơ thể tự động phát triển đến vô cùng mà nó không biết thì nó tự giam nó rồi, giam trong địa ngục. Ngay khi nó đang còn sống đây, nhưng mà phần điển nó không còn nữa. Nó không còn tâm linh. Nó nghĩ một câu nào cũng là eo hẹp trong ghen ghét, buồn tủi, hờn giận, thấy rõ ràng. Nó không có ngoại cảnh thì nó không sống được, là nó mất tâm linh. Còn nó hướng về tâm linh, nó sẽ thấy rằng: "tôi phải sống với tôi nhiều hơn", thì nó được giải thoát – giải thoát chứ đâu còn địa ngục. Mà nếu nó nghĩ: "tôi không có ngoại cảnh thì tôi chết, không có tình tôi chết", cái đó là nó đi xuống địa ngục. Tâm linh đâu có, sự sáng suốt không có, thì phải xuống sự tối tăm, mà tối tăm thì chỉ có trừng trị thì nó mới tiến hóa. Cho nên địa ngục chỉ là chỗ trừng trị mà thôi.

 

Trở lại back

ĐIỂN:

Điển là một ánh sáng thanh tịnh nhẹ nhàng và lanh lẹ. Nó đang châu lưu trong bản thể của chúng ta. Sự thấy nó thấy, sự hiểu nó lại càng hiểu hơn. Sự cảm giác nó huy động để tự bảo vệ lấy. Nó thuộc loại vô hình của tâm hồn động loạn. Chúng ta thử cắt một cục thịt heo còn tươi liệng xuống đất, thì chúng ta sẽ nhận thấy màu sắc của cục thịt với màu đỏ tươi, không lâu thì cục thịt ấy sẽ biến thành màu bầm và dần dần nó sẽ mất hẳn sự tươi sáng linh động của lúc ban đầu. Hỏi màu sắc ấy biến đi đâu? Thưa nó đã lìa khỏi phần bám sát của vật chất và quy nguyên về sắc giới, phù hợp với luồng điển khả năng của nó, để hầu chuyển theo định luật hóa sanh của tạo hóa.

 

Trở lại back

ĐIỂN HÓA VĂN:

Không có điển thì không có văn chương. Thằng khùng nó viết chữ đâu có ra. Các bạn nắm cái viết, trong cái ý các bạn là cái điển chứ gì? Mà các bạn tu thanh nhẹ thì câu văn, hành văn của các bạn nó khác rồi. Thấy không, có điển thì nó mới hóa văn. Chứ không phải văn hóa điển đâu. Các bạn không có tư tưởng dồi dào, không có thanh điển này kia nọ, đố các bạn học ra chữ. Tâm linh các bạn thiếu cũng học dốt, học không nổi.

 

Trở lại back

ĐỘNG LOẠN:

Động loạn là mình chỉ tự giới hạn lấy mình và thu hút ngoại cảnh, sát nhập vô trong cái ngũ tạng, ngũ kinh của chúng ta, rồi làm cho nó rối loạn, nó biến tới động loạn. Đó! Thì trong đó ban đầu mình thích, thích ghê lắm, thích yêu, thích tiền bạc, thích của cải, thích làm giàu. Sau cái thích đó, mật thiết rồi thì nó mới phản, nó phản lại cho nên nó động. Trước kia, hai người chưa thương yêu, mỗi ngày không gặp mặt thì buồn, nhưng mà thương yêu, ở chung với nhau, cọ xát rồi thì nó lại động loạn, gây gổ, vì thâu thập bên ngoài vô nhiều mà không có cách gì giải quyết, sửa chữa. Đối với người tu thì sống trong động loạn mà không động loạn, mới là tu. Tu tại thị là vậy. Sống trong động loạn mà không động loạn. Vì sao? Vì người ta đã có cách: Khi chúng ta Soi Hồn, Pháp Luân Thường Chuyển, Thiền định là chúng ta hóa giải trược, lưu thanh. Động chẳng qua là trược. Cái trược nó xâm nhập vô trong lỗ chơn lông, trong tư tưởng chúng ta. Khi chúng ta hóa giải liền thì nó trở về gì? Nó trở về thanh tịnh. Trong cái động loạn, nó trở về thanh tịnh và trong cái động mà đạt tới thanh tịnh mới thật sự thanh tịnh. Còn khi không nhảy ra, nói tôi thanh tịnh, thì động một chút, tôi trở về động, không phải thanh tịnh. Trong cái thanh tịnh có động và trong động có thanh tịnh. Cho nên, chúng ta tu ở trong động. Các bạn Soi Hồn, đó là động. Pháp Luân Thường Chuyển là động. Rồi Thiền Định nó mới đi tới tịnh. Bịt lỗ tai nghe ồ ồ, làm Pháp Luân Thường Chuyển nghe ồ ồ, ẹt ẹt, đó là động. Nhưng rồi nó đi tới thanh tịnh. Trong cái động nó có cái tịnh và trong cái tịnh nó có cái động. Khi không chúng ta cứ lo vun bồi về cái tịnh mà chúng ta không hiểu rõ nguyên căn của cái động – từ cái động đi tới cái tịnh. Nếu không có động, không đi tới cái tịnh bảo đảm được. Vì chúng ta ở trong động, chúng ta vượt qua rồi, bao nhiêu nghịch cảnh chúng ta vượt qua rồi, thì nó có xuất hiện đi nữa, chúng ta thấy rõ. Trong sự động mà chúng ta đạt được cái tịnh thì mới là Chơn Tịnh, Chơn Pháp. Tu tại thị là ở chỗ đó. Hữu ích ở chỗ đó. Còn chúng ta tu tại chùa, thanh tịnh, nhưng ra gặp động thì chúng ta bị lôi cuốn luôn, cũng như sóng gió bão táp lôi cuốn kéo ra khơi luôn.

Còn cái này chúng ta luôn luôn ở trong động loạn, ở trong trược, thì nó đi tới Thanh và trong Động mà giải được Động thì nó đi tới Tịnh. Động tới cực động là vi tịnh chứ gì nữa! Cho nên các bạn ban đầu mới tu, thì sau lên ngồi thiền Soi Hồn, nghĩ tầm bậy tầm bạ, đủ thứ hết. Cả đêm, bao nhiêu công chuyện trong đầu óc nó xuất hiện. Rồi một hồi nào đó, các bạn mê rồi, nó quên hết, thì có phải trước kia từ trong động không? Mà bây giờ mình vừa Soi Hồn, vừa nhắm mắt thì nó mê, nó quên tất cả những chuyện đời. Nó đi tới gì? Nó đi tới chỗ tịnh; mà nhờ động nó mới đi tới tịnh.

 

Động Loạn: Mình rước động loạn, cũng như tôi cắt nghĩa ở bên trên; nếu chúng ta không rước vô, không có động loạn. Chúng ta cho cái ngoại cảnh là quan trọng, là phải đem sự động loạn vô cho chúng ta. Nếu chúng ta hóa giải đi ra để hòa hợp, để ý thức được trung tâm của mọi trạng thái tiến triển như ta thì chúng ta thanh tịnh.

Cái phần thanh điển của chúng ta hòa hợp với tất cả. Cái lí nào cũng đúng, mà để xây dựng cái trung tâm của chính nó, chính mọi trạng thái, thì chúng ta thanh tịnh. Còn chúng ta động là tại vì sao? Tại vì bất minh mà thôi. Không chịu hòa cảm với thiên hạ là mình động, mà hòa cảm với thiên hạ thì tịnh. Mình thấy không? Lấy cái tình thương và đạo đức làm cái hàng rào cho tâm linh, sống đời đời trong thanh tịnh, sung sướng biết là bao nhiêu?

Tại sao phải vun bồi sự động loạn mà chuốc lấy sự đau khổ và buồn tủi? Để làm gì? Nghèo nàn quá bạn ơi! Uổng lắm bạn ơi! Chúng ta ở thế gian, không nhiều thì ít, cũng ăn gạo, cũng ăn của ông Trời mấy chục năm rồi, bạn chả làm được gì, xưng danh kia, xưng danh nọ, nhưng mà bản thân vẫn chưa cứu, tánh tình vẫn chưa sửa. Sửa được tánh bạn, bạn mới thấy rõ cái sự sái quấy chính bạn đã làm, rồi bạn ăn năn trong nháy mắt, rồi bạn cũng trở nên một vị Phật, một vị Thượng Đế, một vị Siêu Giác, chớ có thua ai đâu? Cho nên, người tu về Pháp Lí đạt được rồi, đâu có dám, không dám chê ai hết. Bởi vì ai họ cũng có cái hay của họ. Mà không nhờ cái sự tăm tối và kích động của họ, thì làm sao tạo ra Phật, Tiên, Thượng Đế được? Nhờ những cái phần tử đó, nó chưa hiểu nó, mà bây giờ mình hiểu mình, thì mình thấy rõ nó đang ở trong cái sự động loạn đau khổ, mà nếu nó trở về thanh tịnh, thì mình cũng đâu ăn của gì của nó mà sao mình mừng, tự nhiên mình mừng. Còn người động loạn đau buồn mà trở nên thanh tịnh vui tươi, thì cả gia đình sung sướng vô cùng bạn ơi!

Của bạn không có giá trị bằng tâm linh của bạn. Từ cái động loạn mà bạn đạt tới thanh tịnh, gia đình, xung quanh của các bạn, bạn bè, sung sướng lắm. Vui lắm! Thương yêu các bạn vô cùng! Thì lúc đó các bạn mới thấy rằng các bạn có của cải vô cùng tận nếu bạn thanh tịnh.

 

Trở lại back



G

Trở về đầu trang top

GIÁC NGỘ:

Giác là biết được, ngộ là gặp phải. Ngộ đạo cũng vậy. Biết được sự quân bình của thiện ác kêu bằng ngộ đạo. Còn cái giác ngộ, mà lấy cái gì tạo ra cái giác bây giờ?

Cho nên người Việt Nam cũng học trước: tôi vượt biển, tôi bỏ xứ tôi ra đi, rồi đi đâu đây? Gặp những cơn sóng gió nguy hiểm lần lần tôi giác ngộ, tôi thấy sự sai trái, tôi ở giữa mặt biển, mà tôi đi như thế này nguy hiểm quá, có thể chết bất cứ lúc nào. Tôi chỉ biết cầu Trời Phật cứu tôi, chứ chẳng có ai cứu tôi vì trước kia tôi không có đủ tiêu chuẩn. Quá nguy hiểm, giác lần, giác lần, tôi tìm hiểu đến cực độ nó mới giác, trong khổ cực các bạn mới giác. Mà ở trong cái giác đó, bạn mới ngộ. Mà mỗi người ngộ một kiểu khác. Hiểu được sự sai lầm của chính mình và hiểu sự huyền diệu của Bề Trên đã cứu độ mình, mới thấy rõ cái đạo là giá trị và thấy rõ sự quân bình của thiện ác. Cho nên, thiện chúng ta cũng không bỏ, mà ác chúng ta cũng không bỏ. Hai cái đó phối hợp thành một chơn lí vô cùng. Biết được và ở trong cái hoàn cảnh đó mới ý thức ra cái sự việc đó.

 

Trở lại back

GIẢI NGHIỆP:

Cái giải nghiệp, người Việt Nam lại thấy rõ hơn hết. Trước kia, các bạn có tiền bạc, bấy giờ các bạn có năm, bảy người ở, mượn người này làm, mượn người kia làm là thiếu nợ người ta đó, mà thiếu nợ đó là cái nghiệp, nó theo nó đòi hoài. Còn tiền bạc các bạn để đó một đống, đâu có dám xài. Khi các bạn không có dám xài tiền bạc, không làm chuyện phước đức, thì các bạn là người gì? – Người giữ tiền. Giữ tiền là nó kẹt vô trong cái nghiệp. Mà các bạn buông bỏ hết, với cái cơ hội này, các bạn ra đi với hai bàn tay không, rồi các bạn nhớ sự nghiệp hồi xưa, các bạn muốn chết cho rồi. Rồi từ cái ý tối tăm các bạn nghĩ chuyện chết, không có phấn đấu, tôi tuổi lớn rồi xin việc làm mà họ không cho, sống không nổi nữa, ở chế độ này sống không nổi nữa, chỉ có tự tử chết thôi. Rồi các bạn thấy không? Chúng ta thấy rằng rõ ràng trước kia chúng ta tạo ra của cải và chúng ta là người giữ của, bây giờ chúng ta mất của chúng ta buồn.

Nhưng mà chúng ta có tu thì chúng ta mới thấy rõ là giải nghiệp. Của đâu có làm tôi mạnh được. Tôi thiền, tôi sửa bộ óc tôi. Tôi cho bộ óc tôi được nghỉ, tôi Soi Hồn, khôi phục thần kinh. Tôi làm Pháp Luân Thường Chuyển nhẹ nhàng làm cho ngũ tạng tôi được khôi phục, ổn định, tôi mới thấy rằng rõ ràng một giấc mơ, tôi đã tự giải được nghiệp. Tôi không còn bận rộn về của cải nữa, nhưng mà hằng ngày tôi chỉ bận rộn sự phát triển tâm linh của chính tôi thôi. Có phải các bạn đã đổi từ cái của thế gian lên tới cái của thiên đàng, cái của trường cửu bất diệt mà các bạn không bao giờ mất được.

Tâm các bạn không nghĩ chuyện mưu mô lường gạt thiên hạ để làm giàu. Không có chuyện đó! Thì các bạn giải nghiệp rồi. Nhờ giải nghiệp, nhờ mất của mà chạy ra đây, rồi tâm tư các bạn được tu, rồi các bạn mới thấy nhẹ nhàng. Mà thấy nhẹ nhàng rồi, thì mới kêu bằng giải được nghiệp chướng. Trước kia các bạn có xe, có tiền, có bạc, có nhà cửa, có vợ con thì các bạn thấy tạo một cái nghiệp, mà ngày nay các bạn tu được rồi, thấy vợ bạn cũng không phải là của bạn, bởi vì nó có sự sống, sự sanh, sự diệt của chính nó. Con bạn cũng không phải là của bạn nữa. Nó cũng có sự sanh diệt của chính nó, nó có quyền quyết định của nó. Và rồi tôi thấy cái thể xác này cũng không phải là của tôi, trong sanh có diệt, vậy thì tôi giữ cái gì? Tôi phải giữ cái sáng suốt của tôi.

Cho nên, tôi phải hướng thượng để tôi hóa giải, thì cái nghiệp căn của tôi đâu có còn. Còn nếu mà tôi làm con người lo cho đứa này, lo cho đứa kia, lo cho đứa nọ, mà tôi khinh khi nó, thì tôi là người có lỗi, bởi vì nó có một cái ý chí tự động tấn thối do nó quyết định. Tôi ôm lấy nó để tôi lo cho nó thì tôi còn động, mà chính bản thân tôi không tiến, thì làm sao tôi lo cho người ta, tôi tạo thêm nghiệp.

Bây giờ ra tới đây, một mình rồi bạn muốn lo cho nó cũng lo không được. Mà bạn có cái pháp tu thì bạn thấy rõ là nghiệp. Còn nếu không có cái pháp tu, thì không thể nào bạn giải nghiệp, thấy đau đớn vô cùng, khổ cực vô cùng. Những cái kỷ niệm nó triền miên trong giấc ngủ tôi nhớ quê hương, nhớ nhung những người thân yêu. Vậy có phải động không, phải nghiệp không? Bây giờ bạn ý thức rõ cái nghiệp là cái cục nợ kéo mình, nó bắt mình suy nghĩ cái việc đó hoài – đó là nghiệp, nghiệp đó khổ lắm các bạn à.

Khi các bạn hết rồi, các bạn không còn suy nghĩ, các bạn thấy tất cả mọi người đang là học viên của Càn Khôn Vũ Trụ. Nó sẽ tiến cho nó. Chúng ta sẽ tiến cho chúng ta, thì lúc đó các bạn thấy rõ Thượng Đế đã làm việc cho mọi người. Và khi các bạn rõ các bạn được giải nghiệp bằng cách nào thì các bạn sẽ không còn nghiệp nữa.

 

Trở lại back

GIẢI THOÁT:

Bây giờ muốn tu giải thoát mà các tầng trong cơ tạng không mở làm sao giải thoát! Cho nên nhiều người thiền hít ra hít vô để làm gì? Sao không lấy chiếc đũa thọc vô trong đó cho nó mở? Không, dùng cái thanh khí điển hòa hợp của Trời Đất nó mới mở những cái lố bịch kẹt ở bên trong, rồi mở tới hòa đồng, mở tới bộ đầu, nó mới xuất ra ngoài kêu bằng thoát khỏi cái cảnh địa ngục trần gian. Là chúng ta đã tăm tối bao nhiêu năm rồi, bây giờ chúng ta tu rồi giải thoát ra. Giải thoát không còn sầu muộn nữa, không còn sự sân si ghen ghét nữa, mà thấy sự sung sướng triền miên về với chúng ta. Chúng ta thực sự cứu độ để thương yêu vô cùng. Những người đó tâm tư đã được giải thoát rồi, không dùng phàm tâm mà so đo, không dùng lí đời, nhưng mà dùng tâm đạo, luôn luôn xét xử với sự quân bình: lợi, hại, thiện, ác, trong tối có sáng, trong sanh có tử, trong tử có sanh. Đó mới kêu giải thoát được, lúc đó nhẹ nhàng rồi.

 

Trở lại back



H

Trở về đầu trang top

HÀ SA:

Nhắm mắt thấy hột, hột, hột, đó là cát trên Trời. Mà trong bản thể chúng ta cũng có hà sa. Nếu chúng ta tập trung rồi, chúng ta thấy rõ có hà sa.

Nhắm mắt là thấy. Do đâu có? Do cái công phu, nó khai triển ra thì nó thấy chớ có gì đâu? Rồi không chịu công phu, không chịu sửa bên trong, làm sao có hà sa? Nó từ một hột điển, một hột điển, một hột điển lóng lánh, lóng lánh, nhắm mắt thấy, mà mở mắt cũng thấy nữa.

 

Trở lại back

HẠ GIỚI:

Cái hạ giới như tôi đã nói rồi. Người mới tu đang thanh lọc hạ giới, phải có Pháp Luân Thường Chuyển mới thanh lọc hạ giới, sự trược ô của tình dục của hạ giới này, phải dùng Pháp Luân Thường Chuyển mới chuyển nó lên bộ đầu. Không dày công không làm được.

 

Trở lại back

HẠ THỪA, TRUNG THỪA, THƯỢNG THỪA:

Hạ thừa là bên dưới này, các bạn làm Pháp Luân Thường Chuyển thét rồi cái điển này nó lên lên, càng ngày nó phải thừa tiếp vô Trung giới, rồi từ Trung giới nó thanh lọc đi. Có nhiều khi các bạn tu tới đó nó buồn, rồi tới đó một thời gian, cái điển nó hòa cảm rồi nó thấy nhẹ, nhẹ nó phải đi lên, nó lên bao nhiêu từng khu ốc ở trong này, nó đi lên.

Đó, cái hạ thừa nó mới thừa tiếp lên tới trung thừa, rồi nó mới thừa tiếp lên thượng thừa. Đó, cái đó rõ ràng là vậy. Từ từ đi lên, rồi nó thoát ra khỏi bản thể, nó siêu thượng thừa. Mà tới siêu thượng thừa phải học rồi mới tới đại định vô thừa. Tới đại định vô thừa là không có thừa tiếp mấy cái đó nữa, tự động rồi, mình sống yên rồi.

 

Trở lại back

HẠ TRÍ, THƯỢNG TRÍ:

Con người sống trong hạ trí chỉ có dục, không có dục hầu như chết, buồn. Đó chỉ là áp dụng hạ trí mà thôi. Còn thượng trí, chỉ có giải, giải cho nó sáng suốt, thực hiện bi, trí, dũng.

Các bạn nhịn một bữa ăn được, các bạn qua được thì các bạn còn sung sướng lắm, huống hồ cái dục mà các bạn dần dần dẹp bỏ được rồi, các bạn thấy thanh nhẹ nhiều lắm, tâm thức các bạn cởi mở lắm. Thì các bạn đã thử nhiều lần, những người tu về Vô Vi càng ngày càng thử càng thấy: tôi không dục thì thấy tôi thanh nhẹ sung sướng; mà tôi dục thì thấy tôi bần thần. Rốt cuộc rồi nó rã rượi cơ thể tôi, điển tôi nó mất, không còn sáng suốt, thấy không?

Cho nên cái hạ trí, bành trướng cái hạ trí chỉ có đấu tranh, tham dục mà thôi. Còn khai triển được thượng trí thì giải thoát và tiến hóa.

 

Trở lại back

HÀNH HƯƠNG:

Cái cuộc hành hương! Đó các bạn đã lâm vào trong một cái thể xác của Tiểu Thiên Địa này là để học hỏi chớ có gì đâu? Sanh, lão, bệnh, tử, tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, dục nó cứ đi đi lại lại, đi đi lại lại cho các bạn minh.

Đó, rồi các bạn mới ý thức được ngoài cái sự này lại còn cái sự siêu nữa. Ngoài bản thể này thì tôi là nguồn cội, tôi đâu có phải có bây nhiêu đây? Nguồn cội tôi là ở chỗ vô cùng giáng sanh. Bây giờ tôi phải trở về với chỗ vô cùng giáng sanh thì cuộc trở về đó là cuộc hành hương, đi về. Hành là đi, hương là điểm cho nó sáng suốt để đi, không phải đi trong tăm tối. Đi trong sáng suốt kêu bằng hành hương.

 

Trở lại back

HÀO QUANG:

Hào quang do trung tim bộ đầu và do Pháp Luân Thường Chuyển, Soi Hồn, khứ trược lưu thanh, rồi dần dần cái thanh nó tựu hóa trụ sanh, diễn tiến lên trên. Trung tim bộ đầu của người tu về Pháp Lí, ban đầu nó ướm nhột nhột ở ngay trung tim bộ đầu, chỗ Hà Đào Thành đó, như là có con gì nó rờ trên đầu chúng ta, nhưng mà lâu lâu rồi, nó sẽ tiến triển, thanh sẽ thừa tiếp thanh, ở trên đó, điêu luyện một thời gian. Lúc đó các bạn nhắm mắt thì các bạn thấy sáng suốt, hào quang bao vây cả bộ đầu, thì các bạn thấy các tượng Phật nó y như bạn, không có sai.

Cho nên, hào quang của Thượng Đế là vô cùng tận. Chúng ta đi tiến tới thanh, về Phật thì chúng ta là đứa con ngoan của Thượng Đế, hiểu ý của Thượng Đế, chúng ta phải học nhiều hơn để hòa cảm về bên trên hư không, mới tiến về đời đời vô tận, mới trở về nguồn cội. Chớ chúng ta không có dùng ý niệm. Và chúng ta phải thực hiện mới có hào quang. Nếu các bạn không thực hiện, thì không có hào quang. Con người có hào quang, tu tại thế mà đắc pháp có hào quang, xuất ngôn đều là hợp lí, sâu rộng, cởi mở, làm cho tâm can của mọi người phấn khởi và nhẹ nhàng. Nghe qua âm thinh người thì thấy nó nhẹ nhàng. Ngồâi bên người thấy hình như được giải thoát. Đó mới xác nhận rõ ràng người đó đã có hào quang, và có một quyền năng siêu diệu có thể cứu độ tâm linh. Khi chúng ta gặp Người thì tất cả những thắc mắc đều được giải tỏa. Đó, thấy rõ hào quang cứu độ nhân sanh.

Còn hào quang của Thượng Đế là vô cùng tận, còn siêu diệu gấp triệu lần nữa. Cho nên chúng ta ráng tu để đi tới đó rồi chúng ta hưởng cái hào quang vô cùng tận, đời đời, bất diệt.

Cho nên, tất cả tôn giáo ở thế gian đã nói rằng phần hồn là bất diệt. Tất cả tôn giáo đều nói nhưng mà ai đã chứng minh được sự bất diệt đó? Các bạn tu rồi các bạn thấy chính các bạn có hào quang, nói đâu phải đúng đó, khai triển vô cùng và cái tâm tư cứu độ người không có so đo, không có tính bất cứ một cái gì, luôn luôn chơn tâm thường trụ, tiến giải minh bạch, hào quang sáng suốt. Đó mới là hào quang.

 

Trở lại back

HIẾU:

Hiếu là lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Hiếu là sao? Hiếu là con người phải hiểu nguyên lai, do đâu sanh ra con người. Có Trời, có Đất, có phối hợp của Càn Khôn Vũ Trụ, có vạn linh cấu kết nó mới tạo thành một con người, tạo thành một thánh thai, rồi xuống đây nhập xác trần trược ở thế gian. Thì cái chữ hiếu này đặt để làm gì ở tại thế? Sanh ra thôi chứ cần gì phải hiếu; nhưng mà chữ hiếu này là để cho nó thực hiện, nó nhớ cha, nó nhớ mẹ, để nó nhớ nguồn cội và nó đi về dễ dãi hơn. Dù cho nó không tu nhưng nó biết thương yêu cha mẹ nó thì cái tâm của nó được Bề Trên chứng, mà chứng tâm rồi thì nó được gì? Nó được cứu độ. Trong lúc lâm chung, nó được nhẹ nhàng hơn và sẽ học qua những khóa nhẹ nhàng, văn minh, tiến triển, thông minh hơn ở về sau. Còn con người tu tuyệt đối phải giữ chữ hiếu. Đối với cha mẹ, không được nghịch. Bởi vì cha mẹ là thế thiên hành đạo. Chúng ta nên tuân theo những lời dạy bảo. Không có ai yêu con bằng cha mẹ. Không có ai thương con bằng cha mẹ. Người tình của các bạn cũng không thương các bạn bằng cha mẹ. Mà nếu các bạn có con rồi, các bạn mới hiểu rằng tình thương của cha mẹ đối với con bằng cách nào, sâu rộng bằng cách nào. Lúc đó chúng ta mới hiểu rõ. Còn người tu về Pháp Lí, tuyệt đối phải hiếu thảo. Nếu các bạn không có tính chất hiếu thảo, các bạn không có tính chất hi sinh, thì làm sao các bạn tiến về đạo pháp? Phải có hiếu thảo mới có óc hi sinh, có hi sinh thì mới có tiến hóa. Khi các bạn chấp nhận những gì cha mẹ đòi hỏi hay là gây phiền phức các bạn, các bạn có cơ hội học nhẫn, rồi các bạn thực hiện từ bi, không có thua lỗ đâu, cha mẹ luôn luôn thương con, đòi hỏi là dạy, giáo dục và đưa con tiến hóa. Nhiều người không hiểu, nói cha mẹ hành hạ con. Nó có cái duyên nghiệp và an bài để cho nó học hỏi, cho nó tiến hóa.

 

Trở lại back

HỒI QUANG PHẢN CHIẾU:

Đó, nếu mà chúng ta không xuất phát ra, làm sao mà chúng ta lấy được cái ánh sáng, rồi mới trở về giáo dục cái Tiểu Thiên Địa này, mở tâm mở tánh? Kêu bằng phải xuất phát ra để thừa tiếp cái sáng suốt ở Bên Trên, rồi mới sửa tâm sửa tánh, rồi càng tu nó tới minh tâm kiến tánh là vậy.

 

Trở lại back

HỒN VÍA:

Con người ta chết rồi mà cầu hồn về nó nói này, nói kia, nói nọ. Nó nói nó bị đau khổ, nó bị lạnh lùng, nó bị giam hãm dưới địa ngục. Rồi bây giờ hỏi các bạn, kiến thức các bạn đem để trên bàn được không? Bạn có kiến thức, bạn làm ơn ôm cái kiến thức các bạn đặt lên bàn. Không được! Khi các bạn ôm không được cái kiến thức, thì các bạn không bao giờ dùng vật chất để tượng trưng cho phần hồn được, mà bạn dùng ý chí, trí giác của bạn, rồi các bạn thấy rằng có phần hồn chủ trương, điều khiển cái Tiểu Thiên Địa này trong cái ý chí các bạn có.

Nếu không có hồn thì làm sao lấy ai điều khiển cái xác này? Có sự chủ trương chớ. Đó là phần hồn. Sự chủ trương là gì? Là sự sáng suốt. Mà nếu không có sáng suốt thì làm sao các bạn điều khiển cái bản thể được? Cái thể xác này là ô trược và chậm tiến. Phần hồn chỉ trong nháy mắt là hiểu được cái việc đó rồi. Đó là hồn. Còn cái vía thì khi mà các bạn quyết định rồi thì tay chân phải làm. Bạn nói tôi đi giặt áo. Có hai tiếng thôi mà nó phải đi ra ôm cái này, lựa cái kia, làm cái nọ. Đó là cái vía, nó lệ thuộc. Còn cái hồn là cái sáng suốt. Nó hạ lệnh thì cái vía phải đi làm việc, làm cho xong cái việc đó. Giặt áo xong, phơi cho khô, ủi cho đẹp, thích cái áo này, bận vô, bận lên thấy hãnh diện, nhẹ nhàng, nhưng phải nhớ rằng ban đầu cái lệnh chỉ là giặt áo thôi, nhưng mà nó biến ra bao nhiêu công chuyện, rồi nó thành tựu cũng là trong sáng suốt. Tôi cắt nghĩa rất đơn giản, rất tầm thường cho các bạn hiểu. Không phải người truyền pháp mà phải nói những cái văn chương hay và vá víu, lượm ra từ trong cái sáng suốt của người khác về nói là cái hay – không phải đâu! Phải ở trong thực tế, cấp nào nghe cũng phải hiểu, phải rõ. Còn những phần tử còn vun bồi tự ái, tưởng mình hay hơn, người đó chỉ thua lỗ mà thôi, họ không tiến triển được. Cho nên, tôi phải giải nghĩa rõ ràng. Cái vía là lệ thuộc làm việc cho sự chủ định của phần hồn. Cái bản thể của các bạn nó như một quốc gia, có tổng thống, cũng có thủ tướng, cũng có nhân viên làm việc đầy đủ. Vạn linh phối hợp thành ra một con người. Cho nên chủ trương của các bạn vô cùng. Ai ăn hiếp, động bạn một chút là không chịu. Ngủ cả đêm cũng không được, chỉ nghĩ cách trả thù. Đó là sự eo hẹp. Đối với người có tri giác, cao thượng, không có nghĩ việc đó. Tội nghiệp cho những người đã đối xử mình sai và thương yêu cho một ngày kia họ thức giác. Họ có hiểu họ, họ mới hiểu mình. Mình phải dày công và xin gởi điển thiện lành cứu độ cho người. Phải thương yêu và giúp đỡ, thay vì ghét người và hại người.

Bởi vì một cơ thể của con người trong đó có hồn có vía. Sự quy định của Thượng Đế gởi nó xuống đây làm việc. Và nó là một vị Thượng Đế. Mình không nên nghĩ cái chuyện giết nó hay là hại nó. Nếu mình có cái óc giết nó hay là hại nó, mình mang tội liền. Tôi nói các bạn phải suy nghĩ cái đó quan trọng lắm. Bạn muốn giết ai hay là hại ai, bạn là người có tội. Chắc chắn như vậy. Còn bạn thương yêu, cứu giúp, thì bạn mới giải thoát. Những cái gương thế gian đây là dạy cho người tiến hóa. Mà phải nhớ là phần hồn các bạn vô cùng tận, các bạn không nên tự giam hãm trong cái chỗ eo hẹp, trả thù nhỏ mọn, ghen ghét, không sử dụng trong người tu về Vô Vi được.

Phải hết sức thương yêu. Mình đi trước thiên hạ, đạt được cái sáng suốt đó, phải hỗ trợ cho người đi sau. Đó là phận sự và nhiệm vụ của mình. Phải hết sức thương yêu để cảm động lòng người. Xây dựng trong chu trình tiến hóa. Cộng tác và góp tay với Thượng Đế trong chu trình tiến hóa, sửa đổi quả địa cầu này, sửa đổi cả Càn Khôn Vũ Trụ.

 

Trở lại back

HỒNG ÂN:

Ở thế gian nghe hồng ân lạ quá, hồng ân ban bố, hồng ân chỗ nào đâu? Nhưng mà sự thật là chúng ta giáng sanh ở trong bụng mẹ chỉ có một giọt máu đào, gom trong cái điển đó, phân ra âm dương, tạo thành cái thể xác ngày nay. Đó là Thượng Đế đã ban cho chúng ta một cái hồng ân, có một cơ thể, có một Tiểu Thiên Địa, có một thể xác để trù trì mà học hỏi mà tu tiến.

Mà chúng ta tu rồi, chúng ta mới thật biết hồng ân của Đức Thượng Đế đã cho chúng ta, đã ban cho chúng ta một lần một, cái hành lí chỉ có một giọt máu đào đó mà ngày nay chúng ta sống. Từ một giọt đó mà ngày nay bành trướng ra một thước mấy, hai thước, mập với ốm, cãi cọ với thiên hạ, mà dòm lại trước kia các bạn thành tựu có chút xíu à. Có một điểm, chỉ có một giọt máu đào đó thôi, rồi bây giờ tiến triển ra, rồi lập kế hoạch này, kế hoạch nọ, rồi giận đầu này, giận đầu kia, giận đầu nọ. Có một chút xíu đó thôi, nhưng mà bây giờ nó bành trướng tới vậy đó. Rồi từ cái kích động, phản động này nó đi tới sáng suốt, quy tụ về cái thánh thai, là thanh điển. Các bạn thấy không, rồi mới xuất phát ra; bên mình tu nói rằng đó là Mô Ni Châu xuất phát ra, như vậy đó nó mới sáng suốt.

 

Trở lại back

HUỆ:

Người ta nói rằng “Pháp Luân Thường Chuyển huệ tâm khai” thì có chùi rửa thì nó mới sáng suốt. Huệ là gì? Là sáng suốt mở ra, nội tâm nội tạng của các bạn càng ngày càng sáng suốt là mở huệ ra, phát huệ, huệ tâm, huệ can, trong ngũ tạng đều phát ra hết, rồi phát huệ nhĩ, huệ tỉ, huệ thiệt đều mở hết. Rồi khi mở rồi, nó chỉ quy một là cái sáng suốt mà thôi. Tôi ngửi thì tôi cũng hiểu cái đó, hiểu là thấy chứ gì? Thấy là sáng suốt chứ gì? Nghe cũng vậy, cũng hiểu, hiểu là thấy, thấy là sáng suốt. Mà nói ra đây, cái âm thinh cũng hiểu và cũng sáng suốt, thấy không? Mà dòm ra đây cũng thấy và cũng sáng suốt, mà suy nghĩ rồi thì cũng quy về sáng suốt – chỉ có một, nhưng mà phân ra ngũ giới vì ở thế gian tạo ra cái cảnh ngũ hành thì phải có ngũ giới ứng phó với cảnh ngũ hành. Đó thì bây giờ chúng ta tu rồi nó mở huệ. Nó mở huệ rồi nó mới hòa hợp với ngũ hành hiện tại của Càn Khôn Vũ Trụ, mà hòa hợp được rồi thì nó có cái bàn đạp để nó tiến lên. Cho nên, các bạn Soi Hồn, Pháp Luân Thường Chuyển, đó là khai triển và nó mở huệ. Rồi cái huệ đó sau này nó hòa hợp với cả cái Càn Khôn Vũ Trụ thì đó là cái bàn đạp đi về dễ dãi đâu có gì khó khăn.

 

Trở lại back



K

Trở về đầu trang top

KIM CAN:

Ở trong sách có nói “Kim can huệ mạng”, nhưng mà khi chúng ta muốn hiểu rõ cái Kim Can là phải hiểu cái Tiểu Thiên Địa, phải hiểu cái phần điển của Tiểu Thiên Địa mới hiểu cái Kim Can. Nhiều người nghe Kim Can sợ lắm, Kim Can Kinh! Cho nên, người ta đọc Kim Can là ma nó nhập, nó dựa lên, hỏi tên gì nó xưng: Kinh Kim Can!

Mà Kim Can ở đâu? Do cái kim và mộc cấu tạo. Kim là ở đâu trong thể xác? Là thuộc về cái phổi. Can là thuộc về gan, về mộc. Hai cái đó nó phát triển, mà hai cái đó là một cái khí giới tiến hóa của trong cái Tiểu Thiên Địa này. Mà nếu các bạn hiểu được cái kinh mạch của Kim Can thì các bạn thấy có thanh tịnh. Cho nên trong Kim Can Kinh, những người tu thanh nhẹ rồi, mà đọc cái Kinh Kim Can thấy nó chạy trong mình. Mà khi các bạn đạt được điển rồi, các bạn mới rõ Kim Can. Mà rõ Kim Can rồi thì chẳng còn ma quỷ gì nhập được hết. Các bạn nắm được chủ quyền của một khí giới sáng suốt, để hóa giải tất cả những gì xâm chiếm ở bên trong.

Kim Can Huệ Mạng là vậy. Kim Can, rõ được Kim Can rồi, huệ là mở thấy cái mạng môn của mình. Phải có người gác chớ! Phải có Kim Can thủ chớ! Nếu không có khí giới thì ngoại xâm nó hại chúng ta được. Cái phổi các bạn thuộc về kim, cái gan các bạn thuộc về mộc. Mà trong cái kim và mộc tương hội là biến hóa, biến chế cái này, biến chế cái kia, biến chế cái nọ. Có cái dao có phải các bạn chuốt được một cây nhọn không? Để cầm cự và bảo vệ thể xác không? Thấy rõ không?

Đó cho nên phải thấy rõ cái nguyên căn của luồng điển mới làm được một khí giới để bảo vệ thể xác, mà trù trì ở đó mà tu. Cho nên Kim Can Kinh, nhiều người hiểu và có thanh điển, đọc ra thấy nó mở tâm trí, mở tạng, mà để giữ vững mà tu vậy thôi. Đó, còn nếu mà chúng ta hai phần đó mà yếu, họ chuyển một cái là nhập vô trong bản thể liền.

Cho nên, người đời không hiểu cái nguyên lí của Kim Can Kinh, rồi dùng Kim Can Kinh để ngồi đọc, bởi vì cho những cái chất đó xâm nhập vô, rồi dựa lên, rồi cục cựa, rồi mượn cái âm thinh sẵn có mà nói ra chuyện này chuyện nọ chuyện kia, rồi xưng danh.

 

Trở lại back

KIM ĐƠN:

Khi các bạn ngồi thiền là các bạn nấu và luyện. Co lưỡi răng kề răng là nấu và luyện. Thì cái đó nó là đi trở về, nhờ cái chất sắt, cái chất kim ở trong phổi mà nó chuyển hóa lên, rồi nhờ cái hỏa can mà nó nấu thành, nó luyện thành.

Cho nên, các bạn ngồi thiền rồi các bạn mới có cái cam lồ để uống, kêu bằng “luyện đơn”, “luyện kim đơn.” Ngồi thiền đó là đang luyện kim đơn đó. Cho nên cái kim đơn này là vô giá. Nó vô giá mà tùy theo trình độ thiền giác của người mà thôi.

 

Trở lại back

KINH VÔ TỰ, VÔ TỰ CHÂN KINH:

Kinh vô tự là ở đâu? Ở đâu chúng ta tìm ra kinh vô tự? Thấy không? Cái thể xác của các bạn là cái kinh vô tự, và các bạn chịu luyện, chịu khai thông thể xác. Trong kinh A Di Đà cũng đã nói rất rõ, đều là trong mình hết mà không chịu học. Rồi nói tôi học chữ là tôi giỏi rồi, tôi viết ra được chữ là tôi giỏi rồi. Nhiều người học ra luật sư, tới ông đại sứ, đứng ra họp khắp thế giới, nhưng mà tới giờ phút lâm bệnh rồi, tiếng gì cũng nói ra không được hết. Tiếng Tây cũng quên, mà tiếng u, tiếng gì cũng không biết. Ngồi câm đó, hỏi có không? Có chớ. Tôi nói ra phải có bằng chứng chớ. Tôi đã trừng trị những cái bệnh đó mà. Mà cuốn lịch sử của người, trước kia là giỏi lắm: một nhà ngoại giao danh tiếng, nói năng lưu loát, nhưng mà giờ phút này, không nói được một câu, không mở được miệng, mắt cứ trao tráo nhìn. Hỏi tại sao? Tại sao giỏi như vậy mà bây giờ lại không điều khiển được mình. Tại mất tâm linh! Không chịu lo trước, thì giờ phút đó sẽ gặt hái cái bệnh đó.

Còn chúng ta tu đây là ở trong kinh Vô Tự. Chúng ta học không có chữ nhưng mà phân lí. Luồng gió thổi tới cũng là giáo dục cho chúng ta tiến hóa, để cái tâm thanh tịnh và sáng suốt. Vô Tự Chân Kinh là vậy đó. Các bạn ngồi đó nghe tiếng gió, nghe tiếng động, đâu có viết ra chữ? Hỏi loại người phân ra người Việt Nam, Tàu, người Tây, người Mỹ, hỏi chứ tiếng sét ở trên trời nổ một cái đùng, hỏi thằng Việt Nam, nó nói sấm sét, hỏi thằng Tàu, nó cũng nói sấm sét. Thì ba thằng cùng một sự hiểu biết mà thôi. Có cái gì đâu mà phân cách lẫn nhau? Mà tại sao phải phân cách lẫn nhau? Vì ngu muội. Không hiểu. Nói tôi là người học tiếng Tây, rành một cây, Ăng Lê là giỏi thật giỏi, rồi Ăng Lê cũng nói cái gì? Cũng nói cái bàn cái ghế, cũng nói sấm sét là cùng chớ gì?

Cho nên cái ý chí sáng suốt của các bạn, các bạn vun bồi thì các bạn ở trong kinh Vô Tự. Mà trong kinh Vô Tự đó là giải tiến tâm linh của các bạn, không còn nghèo nàn và bị che lấp bởi một từng tạm bợ của thế gian.

Chớ đừng cho mình là một người trí thức là đầy đủ! Chưa đâu! Còn ngu muội các bạn ơi. Những nhà ngoại giao lưu loát mà tới giờ phút thọ một cái bịnh rồi, không nói năng gì, không đi đứng được. Hỏi chớ ông đó dốt hay là người học giả? Có chớ bạn! Có cơ hội các bạn nghe lời tôi rồi cácbạn sẽ đi chứng kiến. Có cơ hội cho các bạn gặp. Chính tôi đã gặp rồi, và tôi đã trị rồi. Và tôi cũng đã khuyên thẳng cho những phần hồn đó cho họ thức giác. Tôi đã làm điều đó tôi mới nói ra. Nếu không làm, không bao giờ tôi nói điều đó.

 

Trở lại back

KHÔNG HỌC MÀ BIẾT:

Đó là đã học kinh Vô Tự mới biết chứ. Các bạn có thiền, thấy không? Rồi các bạn thấy đó, trong cái thần thức của các bạn nhận thức được các bạn mới biết chứ? Cho nên cái đó là học kinh Vô Tự, không học mà biết.

 

Trở lại back

KÌ THỊ TÔN GIÁO:

Lấy phàm ngã thì nó phải kì thị tôn giáo rồi. Cái tâm nó trược, nó chỉ biết dâm dục là quý rồi, tiền bạc là quý rồi, chuyện mất tiền của nó là phải rồi, thì nó là phàm ngã. Nó trần trược.

Tôn giáo là gì? Tôn giáo là đề cao sự sáng suốt để dẫn tiến tâm linh. Thì nó kì thị tôn giáo là tại vì nó mất tâm linh.

 

Trở lại back



L

Trở về đầu trang top

LẬP CÔNG BỒI ĐỨC:

Lập công là chúng ta làm, phát tâm làm những cái gì hữu ích và cần thiết thì chúng ta làm, không hữu ích, không cần thiết là chúng ta không làm, mới bồi được cái đức tánh tốt.

 

Trở lại back

LÍ LUẬN:

Lí luận ở thế gian, lí luận là luôn luôn bị giới hạn. Còn thanh tịnh là vô giới hạn. Cái chuyện lí luận là giới hạn cũng như hồi nãy giờ tôi nói chuyện cho các bạn, cái phần tư tưởng của các bạn nó đã giới hạn làm sao hấp thụ được những gì tôi muốn nói?

Đó là trình độ lí luận ở thế gian tùy theo trình độ mà hiểu biết lẫn nhau mà thôi. Nhưng mà cũng nhờ cái lí luận đó để hiểu một phần nào để thức giác, chớ mà sự thật của nó là thanh tịnh. Thanh tịnh là đủ rồi. Tôi nói bạn thanh tịnh, bạn không cần biết chữ nghĩa gì hết, trên trời nó nổ cái đùng, các bạn cũng biết là sấm sét. Thấy không? Mà nhờ các bạn hiểu được sấm sét thì các bạn lí luận được. Mà lí luận là tạm mà thôi, chớ cái thực chất nó không phải. Thực chất của người tu là chỉ có thanh tịnh mà thôi.

 

Trở lại back

LINH TẠI NGÃ, BẤT LINH TẠI NGÃ:

Linh cũng do tôi. Nếu tôi vun bồi sự sáng suốt thì tôi hiểu, còn nếu tôi không vun bồi sự sáng suốt thì cũng như không có tâm linh.

Mà người ở thế gian nó có linh căn, mà nó không chịu vun bồi thì nó là gì? Là người sân si, đấu tranh, ghen ghét thôi. Nó tạo ra những cảnh đê hèn cho chính nó mà nó không hiểu. Tăm tối mà nó không minh. Nó tưởng là nó hay hơn thiên hạ. Chậm tiến mà nó không biết, nó tưởng là nó tiến bộ. Cho nên khổ vậy đó, cho nên nói không hết. Sách vở không ghi chép được. Cho nên các bạn tu ở trong cái kinh Vô Tự, đạt đến thanh tịnh là đủ rồi, bao nhiêu đó đủ rồi.

 

Trở lại back

LINH TỬ:

Linh tử là một linh căn như tôi nói đó. Tất cả cái con kiến cũng là linh tử của Ngài! Nó biết mưa, nó biết trốn, nó biết nóng, nó biết lạnh thì người thế gian cũng vậy, là một linh tử.

 

Trở lại back

LONG HOA, LONG VÂN:

Long Vân là một cuộc thay đổi, chuyển động mạnh, thay đổi cả quả địa cầu, nhiên hậu mới tới Long Hoa. Long Hoa là một cuộc vui tụ hội của Tiên, Phật, còn Long Vân là một cuộc thanh lọc để đi chuyển tới. Long là sự di chuyển, Vân trong tựu tan. Nó rõ rệt như vậy.

 

Trở lại back

LỤC CĂN, LỤC TRẦN:

Có người cắt nghĩa ở bên ngoài mắt thấy tai nghe gọi là lục căn. Không phải đâu! Lục căn là nguyên căn cấu tạo về sự tri giác về thể xác con người và nằm hẳn ở trong Nam Mô A Di Đà Phật. Mà Càn Khôn Vũ Trụ cũng ở trong Nam Mô A Di Đà Phật. Nam là lửa, Mô là không khí, A là nước, Di là phát triển, Đà là màu sắc, Phật là linh cảm. Thì cọng cỏ nó cũng cần sống, nó cũng có lục căn và lục trần, sáu cái bên ngoài có thể xô ngã nó nếu nó không vững. Mà nếu ở bên trong lục căn nó vững, thì nó sẽ hòa hợp với sáu cái bên ngoài.

Cho nên, các bạn niệm Nam Mô A Di Đà Phật trong cái pháp này để cho các bạn ý thức rõ lục căn. Mà cái lục căn này là đi về tới đại định, chớ không phải lục căn như người ta cắt nghĩa là chỉ có một góc thôi, không thấy rõ điều đó. Còn cái lục căn mà tôi vừa nói đây là nó phát triển vô cùng tận.

Cái gì ở thế gian không có sáu cái đó không bao giờ phát triển nổi, cho nên các bạn tu phải ý thức. Cho nên tôi khuyên các bạn niệm Phật: niệm, thường niệm, đến vô biệt niệm thì các bạn mới thấy.

 

Trở lại back

LỤC PHỦ NGŨ TẠNG:

Trong cái lục phủ nó cũng chuyển sáu luồng điển kia. Còn cái ngũ tạng đó là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ ở bên trong. Mà cái sáu luồng điển tôi cắt nghĩa ở bên trên là lửa, nước, không khí, phát triển, hào quang, linh cảm. Nó bao vây cái ngũ tạng, mà để cho ngũ tạng vận hành và di chuyển cái cơ thể. Đó, còn lục phủ nó bao vây ở bên ngoài.

Khi các bạn niệm được Nam Mô A Di Đà Phật, nó khai thông rồi thì sáu cái đó là trung tâm quan trọng của cái Tiểu Thiên Địa. Mà niệm thông rồi thì thuộc về lục thông. Sáu cái đó thông là lục tâm thông. Mà khi các bạn thông được sáu cái đó rồi thì thiên biến vạn hóa, vô cùng tri giác, thì mới đi tới cái lục tâm thông.

Đó thấy không? Đệ tử của nhà Phật nó phải có cái sự thanh nhẹ đó nó mới hấp thụ được cái lời giáo huấn của Ngài. Một chữ của chư Phật, chư Tiên, một chữ của thanh điển nói ra đáng ngàn vàng. Càng suy luận càng mở, càng thiền càng thanh tịnh, càng thiền càng học thêm.

 

Trở lại back

LUYỆN ĐAN:

Luyện đan cũng như luyện đơn đó. Các bạn tu mỗi đêm co lưỡi răng kề răng mà tuyệt dục, đó là luyện đan.

 

Trở lại back



M

Trở về đầu trang top

MẬT NIỆM HƯỜN TINH:

Chúng ta mật niệm, chúng ta không có phung phí. Khẩu khai thần khí tán. Tinh khí thần có trụ thì mới có ngôn ngữ, mà chúng ta cứ niệm hoài. La lô om sòm thì nó tán. Còn mật niệm nó mới hườn tinh. Chúng ta mật niệm rồi chúng ta mới hườn cái chất tinh, tinh vi sáng suốt. Hườn tinh não hải! Mật niệm rồi nó diệt dục, nó mới hườn tinh não hải, vun bồi cho cái bộ óc thanh nhẹ và quân bình.

 

Trở lại back

MẤT TÂM LINH:

Thế nào kêu là mất tâm linh? Cũng như con người rõ ràng mắt mũi tai miệng mà cứ oán trách người ta, không biết oán trách mình là nó mất tâm linh chứ gì? Thượng Đế cho nó xuống sửa nó, chớ đâu kêu nó đi sửa người ta đâu?

Cho nên các bạn thấy rõ không? Chiến tranh, bom nguyên tử liệng rầm rầm đâu có sửa được ai? Việt Nam, CBU nổ ầm ầm, súng ống bắn rầm rầm đâu có sửa được ai? Tánh ai nấy giữ chứ có gì đâu? Súng ống không có làm gì được. Mà tâm linh cho nó sửa để cho nó tiến hóa, chứ không phải người khác sửa nó được. Mà họ đem vật chất, họ đem đi sửa tâm linh làm sao sửa được? Thấy không?

 

Trở lại back

MINH TÂM KIẾN TÁNH:

Mình phải thấy rõ cái sự động loạn của mình, kêu minh tâm. Cái tâm của mình không phải eo hẹp nhưng mà người thế gian đem gom trong chỗ eo hẹp, đi theo những sự động loạn tưởng là tâm của mình. Còn bây giờ tu mà mở cái bộ đầu lên hòa hợp càn khôn vũ trụ thì con người nó thanh thản và thấy nó sống ở trong cái vô cùng tận rộng lớn thì nó đâu có chấp một ai. Khi nó không chấp nó mới thấy tâm, mà còn chấp không còn tâm. Kiến tánh là thấy rõ sự sai lầm từ giờ phút của nó chính nó tạo cho nó. Khi mà nó thấy được cái tánh rồi thì nó mới quyết định được khứ trược lưu thanh, không còn những tánh eo hẹp, không còn những sự ngoan cố, không có cho một sự tự kiêu và không bao giờ cho mình là đúng. Nó mới thấy tánh. Còn cho nó là đúng chưa thấy tánh nữa. Bởi vì sự đúng của loài người, con người ở thế gian là chuyện sai ở thiên đàng, nhớ cái câu đó. Cho nên, khi người ta quyết định một cái gì cũng phải chê chúng ta chưa đúng, thấy không? Bây giờ một cái bộ phận chỉ huy của một tổng thống trên thế giới này quyết định một cái việc là qua biết bao nhiêu cố vấn nhưng mà vẫn sai, rồi chúng ta làm sao làm đúng được. Chúng ta phải chấp nhận sai mới sửa sai, hiểu được sự sai của chúng ta, chúng ta mới kiến tánh. Kiến tánh mới là sửa cho tánh tiến hóa mà đạt tới thanh tịnh, chớ đừng cho chúng ta đúng.

 

Trở lại back

MỘNG MỊ:

Mộng mị là nằm chiêm bao, thần kinh suy nhược, nghĩ cái việc đó, đa tình đa cảm, rồi nằm đó tưởng sai cho thiên hạ, nó sanh ra sự mộng mị, chiêm bao. Cái đó là bất chánh.

 

Trở lại back

MỞ TRÍ:

Tôi đã nói rằng trung tim bộ đầu mở, thì ngoài bộ đầu này ra, mình có một cái sự sáng suốt, mà cái hào quang đó mình thấy rõ ràng bao hết cả bộ đầu mình, nó mới thức giác chân lí, lúc đó nó mới hiểu chơn lí, nó hiểu một cách mau lẹ, vừa động là biết, vừa động là mở, chỉ có điển mới mở trí được. Về suy tư thế gian là bị mệt trí chứ không có mở trí.

 

Trở lại back



N

Trở về đầu trang top

NGŨ KHÍ TRIỀU NGƯƠN, TAM HUÊ TRỤ ĐẢNH:

Ngũ khí là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ ở trong mình, chua cay, chát đắng, mặn nồng. Nó triều ngươn là nó thăng, nó cứ đưa lên. Các bạn ngồi đó, ăn uống vô thì nó cứ đưa lên, đưa lên, nó quy ngươn, tụ lại, nó mới sáng suốt. Còn đói quá, mệt quá, nằm yên một chỗ thì cái sáng suốt nó cũng mất đi. Tam huê trụ đảnh là ở trung tim bộ đầu, tinh khí thần mà sáng suốt lên rồi, trụ rồi thì trụ đảnh ở trung tim bộ đầu, lúc đó mới thấy điển.

 

Trở lại back

NGŨ SẮC NGŨ QUANG, HUYỀN SẮC HUYỀN QUANG:

Ở trong bản thể mình nó có kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Ngoài quả địa cầu này cũng kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Rồi trong cái kích động và phản động, nó thành ra ngũ sắc, ngũ quang, huyền sắc, huyền quang. Huyền quang là trong cái ý thức nhắm con mắt mà thấy, rõ, rõ, rõ, trong cái huyền diệu, trong cái sáng suốt. Cho nên, người thiền có thể ngồi suốt mấy tiếng đồng hồ là nó nhẹ nhàng như vậy.

 

Trở lại back

NGŨ UẨN GIAI KHÔNG:

Chúng ta tu, khai thông ngũ tạng. Thì bộ đầu chúng ta có cái pháp Soi Hồn để mở cái bộ đầu đi lên trước. Trung ương: thượng bất chánh hạ tắc loạn. Bộ đầu mà không chịu tu, bắt ở dưới tu cũng vô ích. Thấy không? Chúng ta cứ Soi Hồn để cho nó xuất phát lên. Thấy không? Đó, rồi ngũ tạng cũng kéo lên, trong lúc bộ đầu cũng hầu như giải thoát rồi, nhẹ rồi. Ngồi đó có rờ bộ đầu mới thấy bộ đầu, không rờ bộ đầu, chỉ giữ cái sáng suốt thôi. Bởi vì ngũ uẩn của các bạn quy tụ có cái sáng suốt thôi. Mắt thấy, rồi cái tai nghe cũng hiểu cũng thấy, cái miệng nói, rồi cũng hiểu cũng thấy, cái lỗ mũi ngửi, rồi cũng hiểu cũng thấy, rồi bộ óc nghĩ, cũng thấy. Rốt cuộc rồi chỉ có một cái thấy là sáng suốt thôi. Đó! Thì đó là sáng suốt. Ngũ uẩn giai không là đi tới cái giữ cái sáng suốt rồi.

 

Trở lại back

NGUYÊN LAI BỔN TÁNH:

Linh căn của mọi người xuống thế đều có nguyên lai. Mà cái nguyên lai bổn tánh đó cho chúng ta thấy là tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, dục cũng là cái tánh chất của Thượng Đế. Mà Thượng Đế là nới rộng ra để hóa giải, còn mình lâm phải trong cái tánh chất của Thượng Đế nhưng mà mình không biết sử dụng, thành ra mình bị u ơ, bị kẹt chứ nguyên lai bổn tánh thì ai cũng như ai hết, hiểu được rồi thì phát triển vô cùng.

 

Trở lại back

NHẤT BỔN TÁN VẠN THÙ, VẠN THÙ QUY NHỨT BỔN:

Nguyên căn chỉ có cái sáng suốt, hào quang vô tận từ ở trên phân tán xuống con người, rồi nó phân ra ông A, ông B, ông C, mà ông nào cũng biết tiến, biết thối, cũng ôm cái máy tự động (automatique) đi cùng hết trọi, biết tự quyết định ăn hay không, tiến hay thối vậy thôi, nó phân tán ra khác nhau. Rồi nói tôi đạo này khác, Thượng Đế là khác, mà thiệt không có cha, không có mẹ, lấy đâu có mình? Đó, cha mẹ sanh mấy anh em, mỗi người tánh tình khác nhau. Tán vạn thù rồi. Thấy không? Hai vợ chồng, đẻ ra năm đứa con. Năm đứa con đẻ bao nhiêu? Rồi từ con, cháu, chắt nó đẻ ra bao nhiêu. Nó tán vạn thù, nó phân tán ra. Mà phải quy nhất bổn là tất cả ý thức cũng có bấy nhiêu đó thôi: sanh, trụ, hoại, diệt.

Quy nguyên có một, nhưng mà thế gian nó phân ra, ông này là triết gia, ông này là Phật, ông này là ông Thánh, bà này là luật sư, ông kia là giỏi quá, làm gì lung tung, ông kia là kĩ sư, bà này là bác sĩ. Phân ra vậy, nhưng mà ông nào bà nào rốt cuộc cũng phải quy nguyên. Vạn thù quy nhất bổn, cũng có một cái giải thoát là quan trọng, là hạnh phúc mà thôi.

 

Trở lại back

NHẤT LÍ THÔNG VẠN LÍ MINH:

Một cái cơ thể này mà các bạn khai thác được thì cái cơ thái khác cũng vậy đó thôi. Nó cũng nằm trong cái nhất lí rồi vạn lí, muôn hình vạn trạng cũng có bấy nhiêu đó thôi. Nếu bạn khai thông được cái Tiểu Thiên Địa này thì các bạn sẽ hiểu được tất cả. Đó, gọi là nhất lí thông vạn lí minh.

 

Trở lại back

NHƯ LAI:

nguyên căn. Mình từ Nguồn Cội tới đây, rồi mình phải trở về Như Lai Tạng, là phải trở về cái nguyên căn tánh chất thực tế của Thượng Đế mới biết là sự Như Lai, không có động loạn nữa. Nó như vậy là như vậy, nó phải sáng suốt trở về như vậy!

Cho nên, tôi có những thí dụ rằng các bạn lấy miếng nhôm bỏ dưới đất nó sét rồi, các bạn lấy miếng giấy nhám các bạn chùi rồi nó thế nào? Nó trở về cái Như Lai của nó. Bây giờ bạn tu thì bạn là gì? Như Lai.

 

Trở lại back

NIỆM:

Niệm là gì? Niệm để làm gì? Tại sao phải niệm? Bởi vì con người của các bạn là chỉ dùng ý chí để điều khiển thể xác. Mà ý chí của các bạn không có tập trung, thì cái ý chí các bạn đâu có vững? Mà dùng ý niệm để niệm, chứ không phải mở miệng niệm mà khẩu khai thần khí tán, rồi bịnh hoạn cả đống, rồi trách ông Phật, nói tôi niệm Ông hoài mà Ông không cứu tôi.

Còn cái niệm này khác, co lưỡi răng kề răng, ý niệm trong lúc chuyển vận hành tất cả những cái ngũ hành trong cơ tạng. Khi các bạn co lưỡi, răng kề răng, thần kinh các bạn chấn động lực nó tăng gia mạnh hơn, rồi cái nước miếng nó chuyển chạy là thận thủy được lọc. Phải không? Mà ý chí các bạn sẽ được tập trung. Phải dùng ý niệm. Niệm rồi nó quen, rồi thì nó đi tới thường niệm, rồi vô biệt niệm, không có niệm cái gì khác chỉ nhớ có sự sáng suốt mà thôi, là đi tới thanh nhẹ rồi. Niệm, thường niệm, vô biệt niệm là thế.

 

Trở lại back

NIẾT BÀN:

Thế gian nghe Niết Bàn, chừng nào tôi mới tới Niết Bàn? Trời ơi, ông Phật ông mới tới Niết Bàn, chớ tôi làm gì tới Niết Bàn? Thưa các bạn, các bạn không sửa các bạn, làm sao mà các bạn được nhẹ? Người ta nói tôi đi 747 trên không trung, nó bay ồ ề nhẹ quá! Mấy cái người mới nghe qua nói: “Trời ơi! Chừng nào tôi mới có tiền tôi đi 747”. Tại sao Thượng Đế lại cho sự bất công bình như vây? Cho kẻ có người không? Mà cái thằng có được, cái thằng đó khổ trước rồi mới được đi, mà các bạn không chịu khổ như nó, thì làm sao các bạn đi được 747, đi được máy bay, thí dụ vậy, thấy không?

Cho nên mình phải hành trì khổ, rồi điêu luyện cho nó được quân bình, rồi cái phần Hồn xuất ra, kêu bằng tự túc, không ỷ lại nơi ai nữa. Cũng như có người con cho đi học, ngày nay nó tự túc sống, nó không có đòi hỏi cái gì của cha mẹ nó nữa, thì nó báo hiếu cho cha mẹ nó.

Cho nên ông Phật là người có hiếu thảo, sửa mình để trở về Niết Bàn Tự túc Tự sống, cho nên Phật chỉ tới Niết Bàn mà thôi. Còn muốn học nữa phải trở về nguồn cội với Thượng Đế, phải trở về mọi trạng thái. Còn Phật ở Niết Bàn có một trạng thái thôi, còn phải học để trở về mọi trạng thái nữa nó mới thực hiện đại từ bi.

Người ta nói Phật là quan trọng, Phật đâu có gì quan trọng? Là một con người có thanh điển, minh định, hiểu và quân bình tư tưởng thiện ác, minh thiện minh ác, không xưng ta là thiện, rồi cũng chẳng làm điều ác, chỉ lo tu, trung dung trong tiến hóa mà thôi.

 

Trở lại back

NỢ ĐỜI, NỢ ĐẠO:

Trong cái đời nó có cái đạo. Người phàm vì mắt trược cho nên họ không thấy. Nợ đời là nợ vợ, nợ con, nợ quần áo, đó là nợ đời; mình vay bao nhiêu từ nhỏ đến lớn, bây giờ mình làm để trả lại. Đó là nợ đời.

Còn nợ đạo là mình tu, đạt đến sự sáng suốt, có hào quang được bao nhiêu, thì mình phải tiến triển lên càng ngày càng nhiều, là để trả lại cho chúng sanh. Cũng nhờ cái cơm áo này, tôi nhờ sự khắt khe này, tôi mới hiểu tôi nhiều hơn. Cho nên người tu khá lên, thì thiếu nợ cả Càn Khôn Vũ Trụ, chứ không thiếu nợ cha mẹ không, cho nên ông Phật cũng thiếu nợ mà Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng thiếu nợ, đang làm việc trong sáng suốt. Vì vậy mình làm người làm biếng thì bao giờ mới nên?

 

Trở lại back



Ô

Trở về đầu trang top

ÔNG TU ÔNG ĐẮC, BÀ TU BÀ ĐẮC:

Thì ông tu thì ông tu bổ, sửa chữa lấy ông thì ông mới được, còn bà có tu thì bà mới được, chứ ông không thể tu giùm bà, mà bà cũng không thể tu giùm ông. Không có cái vụ lợi dụng.

 

Trở lại back



P

Trở về đầu trang top

PHÀM NGÃ:

Phàm ngã là sự giới hạn. Cũng như cái tánh của con người, nó sân giận, tôi phải đánh anh đó, là tôi bị giới hạn. Còn phần trí vô cùng tận, không bao giờ người ta đi đánh người đó. Không bao giờ người ta gây lộn người đó. Không bao giờ người ta làm phiền người đó. Thì người ta mới kêu bằng người tu sáng suốt và dẹp được phàm ngã mới trở về chơn ngã. Cái người có chơn ngã không bao giờ bị giới hạn. Bởi cho nên người có chơn ngã, người ta luôn luôn thực hiện trong từ bi tha thứ. Cũng như Jesus Christ chẳng hạn, bị đóng đinh, Ngài cũng thực hiện tha thứ cho nên cảm động lòng người tại thế cho đến ngày hôm nay.

Rồi Phật Thích Ca cũng vậy, tu ở trong rừng, Ngài lấy cái chơn ngã, Ngài mới sống với thú dữ nổi. Còn nếu mà Ngài lấy cái phàm ngã, thì phàm ngã nó sẵn đó, nó giết, nó vật Ngài trong một giây, đâu có còn sống. Bởi vì Ngài kiên trì trong chơn ngã để hóa giải cái phàm ngã, là phần điển của Ngài rút cái trược điển đi, thì cái phàm ngã nó không có lôi cuốn Ngài được, vượt khỏi sức hút của phàm trần. Còn phàm ngã còn ở trong giới hạn của phàm trần, kêu bằng phàm ngã. Cho nên, cái phàm ngã là cái tánh của con người hay gây gổ nhưng mà rốt cuộc không đi tới đâu, bị giới hạn.

 

Phàm ngã là những cái chuyện kêu bằng bị giới hạn không. Tất cả đều là ở trong giới hạn, kêu bằng phàm ngã. Giận chồng, giận con, sân si, nhỏ mọn, yếu hèn. Tâm tánh không khai triển, mà tự xưng mình là giỏi, hay hơn người khác, và cho địa vị của chúng ta là cao hơn người khác. Đó, cái địa vị và càng xưng mình cao hơn chừng nào thì là thấp hèn chừng nấy. Các bạn thấy rõ không? Thượng Đế đang làm việc cho các bạn rất nhiều, chỉ có Thượng Đế mới có quyền xưng là Ta đây. Nhưng mà Ngài đâu có thường xưng cho các bạn thấy đâu? Hai mươi bốn trên hai mươi bốn, lo lắng cho các bạn, dìu tiến cho các bạn, để cho các bạn ý thức. Đó, thì cái đó, các bạn tu về thanh tịnh chơn ngã rồi, các bạn mới thấy rõ rằng sự vô cùng thương yêu của Thượng Đế đã vì mình, thì lúc đó cái phàm ngã nó tiêu diệt; ánh sáng tới thì bóng tối nó phải đi.

Còn những người mà chưa đạt tới được, thì rất dễ. Nói chuyện là biết rồi. Giận người này, phê người kia, là cái người đó là người phàm thôi. Tầm thường! Dù cho có học thức mà tánh không đổi thì cũng vô dụng, không có phát triển nổi. Cho nên căn cứ theo cái lề lối ta sẽ làm này làm kia làm nọ, rốt cuộc đếm đi đếm lại làm được mấy việc, tự hại lấy mình thôi.

Cho nên phàm ngã nó nguy hại lắm. Mà cả bầu trời thế giới hiện tại đang mê lầm trong cái phàm ngã. Tưởng là mình có trình độ là phàm tánh. Còn biết tự sửa để học hỏi là nó mới tiến tới chơn ngã được.

 

Trở lại back

PHÀM TÂM:

Bạn chưa biết bạn, bạn chưa hiểu bạn là bạn cù lần mà thôi, lình xình mà thôi, lí luận bất thông mà thôi, rồi đâm ra đau khổ, rồi đâm ra thề thốt, rồi đâm ra tự tử, toàn là chuyện bất minh, không đóng góp được cho xã hội, không đóng góp cho tình thương, thì lí luận sai lầm, dẫn mình vô trong sự giam hãm, không tiến triển nổi, tạo sự đau khổ cho chính mình, uổng của thế gian và uổng của ông Trời, xấu hổ biết bao nhiêu, cho nên nhiều người phải đụng đầu cho thật nặng rồi nó mới thức giác, nó vô chùa, rồi nó cạo trọc đầu, rồi nó đi tu. Mà đàng này chúng ta có cái cơ hội tu như thế này, nó luyện cái sức khỏe, rồi nó mới minh tâm kiến tánh. Chứ còn cái ý ghen tương là tà đạo, biết có một bên, chứ không biết hai bên. Còn quân bình thiện ác phân minh thì đâu có còn ghen tương tà đạo nữa. Đâu có eo hẹp, bay bổng lên hòa hợp với Càn Khôn Vũ Trụ thì đâu có eo hẹp nữa. Ở đâu tôi cũng sống. Ở đâu tôi cũng chỉ quan trọng cái sự thương yêu và tha thứ mà thôi.

 

Trở lại back

PHẢN BỔN HƯỜN NGUYÊN:

Là trở về với mình, trở về với sự sẵn có đời đời của chính ta, mới kêu là phản bổn hườn nguyên. Cái người tu tại thế, tại sao chửi họ, họ không giận? Bởi vì họ đã phản bổn hườn nguyên, họ đã tránh khỏi mình từ lâu rồi, mà mình đi tới mình đấm họ, đâu có ăn chung gì, đánh đâu có tới! Xẻ thịt họ nhưng mà đâu có bắt được cái hồn của họ?

Cho nên Jesus Christ đã cho chúng ta thấy đóng đinh định giết Ngài, mà Ngài vẫn không chết đó! Ngài đã phản bổn hườn nguyên rồi. Ngài đâu có cần cái thể xác tạm bợ nữa. Cho nên Ngài đâu có đau khổ. Cho nên người đời thấy cảm động. Trời ơi! Ông này bị đóng đinh mà tại sao ông cũng chịu thôi! Ông học thực hiện cái từ bi mà ảnh hưởng tới mấy ngàn năm tới bây giờ. Mọi người tưởng tới Ngài, mọi người sẽ thấy sự cảm động. Cho nên chúng ta thấy những người tu rất khổ, rất khổ hạnh, đời cũng như đạo, khổ nạn nhiều lắm. Bị tù tội để thử thách, bị đủ chuyện để thử thách, mới kêu bằng học hỏi.

Học kinh Vô Tự mà không cho thực hành làm sao học được? Không bị người ta dày xéo, làm sao các bạn thấy sự tinh tấn là chánh? Cho nên bài học của chúng ta đâu có phải là bài học chữ. Học kinh Vô Tự mà phải thực hành! Trong cái dốt mà khôn là ở chỗ đó các bạn. Các bạn tu rồi các bạn khôn dữ lắm, khôn hơn nhiều người biết chữ nữa. Nhiều người biết chữ họ chưa biết họ bởi vì họ chỉ sống với sự vá víu của chữ nghĩa, của sách vở mà thôi, còn cái thực chất của họ, họ không bao giờ hiểu được.

 

Trở lại back

PHÁP GIỚI MÔN HUÂN:

Pháp Giới Môn Huân là co lưỡi răng kề răng niệm Phật; luồng điển trụ nơi trung tim bộ đầu, xuất phát hoà hợp với điển giới từ trong không mà có; đó là cửa đạo tiến tới vô cùng. Thủ Lăng Nghiêm là bộ đầu nghiêm nghị triền miên thực hành trong thức giác.

 

Trở lại back

PHẬT TỬ:

Người ta nói rằng tôi tu theo ông Phật, tôi là con của ông Phật. Người ta đặt ra Phật tử là vậy đó, tôi tu theo ông Phật là tôi tu theo cái đường lối sáng suốt đó, tôi là con ông Phật là nói về thế gian thôi. Còn ở Bên Trên không có cái đó. Bên Trên mà tu đắc đạo, không không gian, không thời gian thì ai cũng như nấy, Phật nào cũng như Phật nấy. Phật là quân bình, bình đẳng, phát triển tự do trong thanh giới.

 

Trở lại back

PHƯỚC ĐỨC:

Phước là chúng ta đã có được một cái thể xác, đi đứng ngồi nằm, thông minh. Và chúng ta phải sử dụng sự sáng suốt của chúng ta để ảnh hưởng và để giúp cho những người khác. Chúng ta không có vụ lợi. Rồi nó mới tạo ra cái Đức. Cho nên Đức Thích Ca Ngài có làm gì đâu. Ngồi thiền vậy mà người ta nói Ông ấy phước đức quá! Người ta kêu bằng “Đức” Thích Ca. Người ta nhìn nhận Ông đó làm cái việc đó phải, anh hùng thế giới, dám gan bỏ cái cảnh xa hoa sẵn có của mình, đi vô trong rừng mà tu với thú dữ. Ông đã làm điều gì? Nếu Ông không ảnh hưởng được con thú, con thú nó giết Ông rồi! Ông ngồi trong cái rừng rậm đó mà Ông vẫn còn sống và Ông trở về Ông thuyết pháp cho chúng sanh hiểu tứ đại giai không, quy nguyên hườn hư là chánh pháp.

Cái Đức là mười phương. Chữ Đức là thiên địa, luồng điển Bề Trên, luồng điển ngũ hành hợp tác chuyển xuống vũ trụ hấp thụ, mà mười phương Trời bốn phương Phật, nhất tâm nhìn nhận cái việc đó đúng mới kêu bằng Đức. Chứ không phải tôi có tiền tôi cho người ta là Đức. Chuyện đó là áp phe, chứ đâu có phải là Đức. Cái Đức không phải như vậy!

Đức là sửa mình để ảnh hưởng cho họ và họ thức giác, họ trở về với họ, mới kêu bằng tạo được cái Đức. Mà cái Đức đó mình cũng chưa nhìn nhận nữa. Cứ làm tới, làm tới, như Đức Phật cũng không có nhìn nhận đó là Đức. Nhưng mà người khác dòm, phán đó là Đức. Là các nơi, các giới đều nhìn nhận cái việc làm đó là phải, là anh hùng thật sự. Nhìn nhận đó là anh hùng, biết sửa mình là anh hùng. Biết cách mạng bản thân là anh hùng. Còn cách mạng quần chúng là dễ quá, dùng thế lực để giết hại người ta, mà rốt cuộc giết hại được ai? Cách mạng quần chúng là dễ hơn cách mạng bản thân. Các bạn nhớ, thiếu gì cách mạng gia đã nói câu nói này.

Cho nên, Phước Đức thế gian không có thấy; nhưng mà chỉ có làm để đi tới. Mình hiểu mình nhiều chừng nào thì mình thấy rõ cái Phước, rồi mình khai thông được mình, ảnh hưởng được người khác, lúc đó mới rõ cái Đức. Còn không thực hành, không hiểu Phước Đức, các bạn học chữ để chơi thôi. Tôi dám phê bình các bạn. Học hết chữ để chơi mà thôi. Vá víu nhưng mà không vô và không phát triển. Bởi vì các bạn không sử dụng sự sáng suốt của các bạn, làm sao các bạn thấy rõ cái ý nghĩa của văn tự? Cho nên vẫn là bị kẹt, dù có ăn học nhưng mà vẫn bị kẹt.

 

Trở lại back



Q

Trở về đầu trang top

QUÁN ÂM:

Nếu mà chúng ta tu được rồi thì chúng ta mới thấy rõ Ngài hơn. Chúng ta đạt sự sáng suốt thì chúng ta muốn thực hiện từ bi giúp đỡ người khác. Mà chúng ta đạt được sáng suốt, khi các bạn thiền sáng suốt rồi, các bạn dòm xuống thấy sự sai lầm của chính bạn, bạn mới sửa. Còn Quán Âm cũng vậy. Ngài được sáng suốt, Ngài mới đi cứu độ người khác. Mà trong lúc người nào mà ngộ được Quán Âm là người đau khổ vô cùng mới ngộ được cái đó.

 

Trở lại back

QUÂN BÌNH TƯ TƯỞNG:

Như tôi đã nói rồi. Trong thiện có ác, trong ác có thiện. Trong sanh có tử, trong tử có sanh. Trong có, có cái không và trong không, có cái có. Mình là người Việt Nam thấy rõ trong có có cái không. Hồi trước các bạn làm ăn, có nhà cửa, có tiền bạc, ngồi dự trù tương lai tôi hưởng nhàn. Không, hết rồi! Rồi trong không nó lại có. Ra đây nó lại có đó... thì các bạn học được cái bài học có trong không và không trong có, thì tư tưởng các bạn là quân bình chứ gì nữa. Mà đi tới Thiền nữa, rồi Giác nữa, là Phật chứ gì nữa.

Quân Bình Thiền Giác là Phật chứ gì nữa. Rồi để làm sao mà đạt tới quân bình thiền giác? Thì chỉ có công phu thôi (Soi Hồn, Pháp Luân Thường Chuyển, Thiền Định). Công phu là để làm gì? Là để trị bịnh mình và đem lại sức khỏe cho chính mình. Bạn cứ lo sửa mình để tự giúp mình. Rồi chuyện đời thì kiếm bạ đồng tiền, bạn thấy đồng tiền đâu có nghĩa lí gì, ôi thôi, ai muốn làm gì làm, nhưng mà cũng muốn khuyên họ để họ biết lấy họ, đừng để họ phải bị vùi sâu trong cảnh đau khổ tội nghiệp.

Vì vậy mà chúng ta phải phí công nói đi nói lại, nói hoài, nói đạo chúng ta thích nói, mà nói chuyện đời thấy nó mệt bởi vì cái đó nó không có cần thiết đối với tâm linh nữa. Người đạt tới tâm linh đâu có cần thiết cái chuyện thương yêu tạm bợ ở thế gian, chuyện tình dục hao phí vô ích, người ta không muốn là tại vậy. Nói về đạo là để cứu rỗi, đi tới cảnh đời đời.

 

Trở lại back

QUY NGUYÊN:

Chúng ta phải quy về cái phần thanh điển. Nguyên lai từ hư không xuống, chúng ta phải quy nguyên.

 

Trở lại back



R



S

Trở về đầu trang top

SÁNG SUỐT:

Tôi đã cắt nghĩa rồi. Nó hội tụ tất cả là con người sáng suốt và hòa đồng với tất cả thì con người nó mới sáng suốt. Cái sự sáng suốt bấy giờ các bạn nói ra đây và thấy và nghe đều là Động; nhưng bên trong, ý thức cái việc đó sau khi các bạn nói hay trước khi các bạn nói đó là Sáng suốt.

 

Trở lại back

SẮC BẤT DỊ KHÔNG, KHÔNG BẤT DỊ SẮC:

Trong cái sắc đó, nó có cái không, mà trong cái không nó có cái sắc. Người đời đâu có thấy, thấy không? Khi mà bạn thấy được cái sắc rồi, bạn bị mê trong cái sắc, thì bạn đâu có thấy không? Mà cái sắc đó từ trong cái không ra; nếu mà không có hư không đâu có tạo ra màu sắc?

Nhưng mà người đời không hiểu, rồi nói lung tung, rồi cắt nghĩa không nổi. Chứ cái màu sắc này chúng ta dòm thấy nó cũng hư không tạo ra hết, nhưng mà nó phải trở về trong không. Rồi trong không nó sẽ có, nó kêu bằng đời đời bất diệt.

 

Trở lại back

SIÊU THƯỢNG THỪA:

Là chỉ có thanh điển xuất phát khỏi bộ đầu, mới ý niệm được chữ siêu thượng thừa. Siêu là vượt khỏi sức hút của hồng trần, kêu bằng siêu. Thượng thừa là xuất phát lên trên để thừa tiếp sự sáng suốt của Bên Trên mà hóa giải.

 

Trở lại back

SINH TỬ:

Xuống thế gian đây, Sinh ra trụ trì trong cái cơ thể này để học hỏi. Rồi Tử là cái gì? Cái bản thể này diệt thôi chứ cái hồn không có diệt. Rồi bỏ trường ra đi thôi, để đi qua một cái trường khác. Trong sanh có tử, mà trong tử có sanh là vậy.

 

Trở lại back

SỐNG ĐỒNG TỊCH ĐỒNG SÀNG,
CHẾT ĐỒNG QUAN ĐỒNG QUÁCH:

Đó là chỉ có Hồn và Vía mà thôi. Hỏi chớ vợ chồng mà nói rằng anh bỏ em thì em chỉ có nước chết. Chết thì có một mình, mình chết, chứ đâu có phải ông chồng nhảy vô chết với mình, hay là bà vợ nhảy vô chết với mình đâu? Cho nên Hồn, Vía sống đồng tịch, đồng sàng, chung nhau trong cái cảnh vui, cảnh buồn, rồi chết đồng quan, đồng quách, hồn vía cùng chung nhau trong một cái hòm. Chứ còn vợ thế gian, chồng thế gian có ông bà nào mà chôn chung trong một cái hòm đâu?

 

Trở lại back

SỬA TÁNH LẬP HẠNH:

Thì chúng ta tu thiền đây là chúng ta bắt đầu sửa tánh rồi. Hồi trước các bạn hung hăng đi đây đi đó, nhưng mà bây giờ các bạn ngồi thiền một tiếng, hai tiếng, đó là các bạn bắt đầu sửa tánh rồi. Sửa tánh nó sáng suốt, rồi các bạn mới lập hạnh, thấy muốn cứu người, thấy muốn giúp người, thấy cái chuyện đời lại là giả, các bạn mới giúp đỡ người, các bạn không có tiếc của nữa, lập hạnh và sửa tánh. Mà sửa cho được tánh mới lập được hạnh. Thì cái tánh nó nhờ tu thiền này nó mới sửa cái tánh được. Nó kềm chế được cái tánh hung hăng, ô trược, tiến hóa tới thanh nhẹ.

 

Trở lại back



T

Trở về đầu trang top

TAM BÀNH LỤC TẶC:

Là ở trong bản thể. Tam giới nó ô trược thì nó sẽ bành trướng, rồi nó tạo cho cái lục tặc là cái lục căn ở trong đó nó thành ra động loạn, sanh ra cái tánh dữ dằn, muốn hơn thiên hạ, là sống trong tam bành lục tặc.

 

Trở lại back

TAM GIÁO TÒA:

Thượng Đế có Tam Giáo Tòa để giáo dục và để cảnh cáo. Cái tinh khí thần của con người làm sai ở thế gian, vì tinh, khí, thần không biết điêu luyện cho nên làm sai lạc thì lúc đó Tam Giáo Tòa phải chuyển điển hay là cảnh cáo bằng hình thức này, hình thức kia, hình thức nọ. Vợ chồng đụng đầu cũng là Tam Giáo Tòa đang xử một việc gì. Người tu đang bị hành cũng là Tam Giáo Tòa đang dìu dắt đe cho nó tiến hóa. Đó là vì lịnh của Thượng Đế mà dạy dỗ và giáo dục cho nó.

 

Trở lại back

TAM MUỘI HỎA:

Tam muội hỏa cũng là trược điển của tinh, khí, thần ở bên dưới. Nó phối hợp thành một cái hỏa tam muội. Nó nóng, nó mạnh, nhờ cái đó, con người mới có sức mạnh làm việc, chống trả.

 

Trở lại back

TAM THỂ PHẬT:

Tinh, khí, thần hợp lại là Tam Thể Phật. Hợp lại nhất thể là Phật, không động, vô danh, chớ có gì đâu.

Câu hỏi: “Trong Thượng Đế giảng Chơn Lí, Cha có nói: Tam Thể Phật tương đồng với Chúa Ba Ngôi bên trên Thiên Chúa Giáo?..."

Đáp: Cái đó là nói về phần ở trên, còn nói bây giờ ít nhất căn bản là Tam Thể Phật là tinh, khí, thần có trụ được không? Tinh, khí, thần bất trụ mà hiểu cái câu, đọc cái câu này thì còn lạc xa nữa, lâm vô trong mê tín. Hiểu chưa? Tam Thể Phật là tinh, khí, thần, tam thể trụ rồi mới thấy rõ, nên lo tu mới quan trọng.

 

Trở lại back

TÂM ĐĂNG:

Đăng là sáng suốt. Mà cái tâm các bạn sáng suốt người ta kêu bằng tâm đăng. Người ta lấy cái danh từ để cho mình hiểu. Mà các bạn không thắp thì làm gì mà có sáng suốt. Phải làm, phải hành thì nó mới có.

 

Trở lại back

TÂM TÂM TƯƠNG ỨNG:

Là cái hồn các bạn được điêu luyện rồi, được sáng suốt rồi. Sự sáng suốt ngộ sự sáng suốt, thì hóa giải những gì của các nơi các giới cùng đi đồng nhất tâm tâm tương ứng. Cho nên cái sự sáng suốt của một vị Tiên mà ngộ một vị tu thiền ở đây thì tâm tâm nó tương ứng rồi. Nó có thể chuyển tiếp lời nói từ ở trên đó xuống và lời nói từ ở dưới này nó có thể chuyển tiếp lên trên. Đó kêu là tâm tâm tương ứng.

 

Trở lại back

TẦM ĐẠO:

Đau khổ, thiếu thốn, khao khát sự công bằng mới đi tìm gì? Tìm sự quân bình, kêu là tầm đạo.

 

Trở lại back

TÂY DU KÍ:

Cũng như Tôn Ngộ Không, Sa Tăng, Trư Bát Giái, thảy đều là ở trong bản thể mình đây thôi. Tam Tạng là về phần hồn. Tôn Ngộ Không là phần trí. Trư Bát Giái là phần vía đó thôi. Rồi Sa Tăng là cái ý – cái ác ý tăm tối đó. Thì tất cả là người tu thiền, nó mở rồi, rồi nó không biết phải làm sao để dìu dắt cho người ta tu, nó mới đặt ra một cái truyện li kì rất hay.

Mà khi các bạn xem Tây Du Kí rồi, các bạn thấy nó đưa hồn các bạn đi tới từng giai đoạn một. Trời ơi, ông Sa Tăng đang bị phỉnh này, bị con gái nó cám dỗ này, tôi cũng vậy này, bị con gái cám dỗ làm động thì tôi phải mau mau niệm Phật. Cái trí tôi cứ chuyển lung tung, cái nào tôi cũng tò mò, cái nào tôi cũng muốn phá, cái nào tôi cũng muốn hơn. Đó là cái trí tôi. Rồi cái vía tôi thì mê man, rồi cái ý tôi nó động loạn, muốn phá đầu này, phá đầu kia, nó hùng hục vô trong cái chuyện hung hăng, cộng tác vô trong cái chuyện hung hăng. Rồi Người (tác giả Tây Du Kí) phân ra trong cái “Tây Du Kí”, bạn xem thấy cái thứ tự của người hành đạo đã thành công, rồi bạn xét, tất cả đều quy nguyên vô trong bản thể bạn, nó có hết. Mà khi quy nguyên vô trong bản thể bạn, bạn chỉ cười và sửa tánh. Nó mở rồi. Cho nên, cái truyện Tây Du Kí nhiều người mê lắm, đọc mê lắm!

 

Trở lại back

TỀ LUÂN HƯ CẢNH:

Là ngay chỗ lỗ rún của chúng ta đây. Đó là tứ hải quy gia. Khi các bạn thiền, làm Pháp Luân Thường Chuyển thanh nhẹ rồi, các bạn thấy cảnh này, cảnh kia, cảnh nọ, thấy cảnh biển, cảnh sông thì đó là Tề Luân Hư Cảnh (chứ không phải thực cảnh). Tu tới Hư Không Đại Định mới kêu bằng Thực Cảnh – Mình là Cảnh, đó mới là Thực Cảnh.

 

Trở lại back

TẾ ĐỘ VONG NHÂN:

Còn mình mà không tu thiền, mình đâu có điển thiện lành mà tế độ vong nhân. Cứ đem bánh đem trái mà cúng thì tế độ không được. Mình tu, mình tập trung, mình phát tâm, mình mới tế độ được. Không có phát tâm, không có tế độ được.

 

Trở lại back

THẢ LỎNG BỘ ĐẦU:

Chúng ta tu có điển rút thì chúng ta thả, chứ giữ nó mà làm gì. Trong mê có tỉnh, cứ việc thả lỏng nó. Khi các bạn nói chuyện cũng thả lỏng nó. Các bạn biết rằng có cõi trên và các bạn từ cõi trên xuống, thì các bạn cứ thả lỏng để đi về.

Càng thuyết thì càng minh, càng thuyết thì càng sáng suốt. Cứ thả lỏng chứ đừng có hãm trí trong cái tâm đời và lí đời thành ra các bạn cắt nghĩa cũng không được. Cứ thả lỏng nó, nói thao thao bất tuyệt rồi mình là người học, chứ không phải là người đó học, mình không có làm thầy ai hết, mình chỉ nói để học, mình là người học trước.

 

Trở lại back

THANH QUANG ĐIỂN LÀNH:

Cái sự sáng suốt vô cùng thanh nhẹ của Thượng Đế chuyển hóa cho tâm linh con người, mà nếu người đó không có sự sáng suốt hỗ trợ cho nó, thì nó không bao giờ nói được. Về cái giới Thượng Đế không có đặt điều nói được. Bây giờ mà bạn kêu một người mà không có tu, kêu nó đặt điều mà nói mà diễn giải viết ra những cái chữ như thế này là nó viết không nổi. Biết đâu mà viết. Đã thanh, sáng suốt mà kêu bằng tràn ngập tình thương, đó là Thanh Quang Điển Lành.

 

Trở lại back

THẦN GIAO CÁCH CẢM:

Cái thần giao là trong lúc thiền mà hai bên được biết với nhau, nhưng mà chỉ có cách sự cảm giác của thể xác thôi. Nhưng mà cái thần giao chỉ có một. Nhiều người thiền với nhau gặp nhau có gì nói đâu. Anh lo anh tu, tôi lo tôi tu, có gì mà nói đâu.

 

Trở lại back

THẦN THÔNG:

Sự hiểu biết và thông suốt mọi việc mới kêu bằng thần thông.

 

Trở lại back

THẤT TRÙNG HÀNG THỌ:

Là nó có bảy loại cây trong bản thể mình. Cho nên trong cái Kim Can Kinh là nó khai triển cái thất trùng hàng thọ, và luôn cả thất trùng la võng. Ở trong đó nó có cây và nó có kim và có mộc. Nó khai thông bảy từng lớp: bảy lớp cây và bảy lớp gân, là xương chúng ta đây, rồi gân bao bọc trong cái Tiểu Thiên Địa này.

Còn Càn Khôn Vũ Trụ đó là nó có cái khí điển của ngũ hành nó chuyển, nó hỗ trợ cho cái cây, nói ở bên ngoài. Cái bản thể chúng ta đây là nó có xương có gân mà chúng ta không khai thông, thì đâu có biết cái la võng là cái gì? Võng là đường gân, còn hàng thọ là xương chúng ta đây.

 

Trở lại back

THẾ GIAN VÔ NAN SỰ,
BÁ NHẪN THÀNH KIM THỊ THÁI HÒA:

Ở thế gian có gì là khó giải quyết đâu mà nhiều khi các bạn càu nhàu. Thiếu thanh tịnh thôi, các bạn thanh tịnh thì cái gì cũng giải quyết được. Các bạn học nhẫn và các bạn hiểu được cái luật sanh tử, cái việc đó sanh ra vậy thì các bạn cứ nghĩ rằng có sanh là có diệt. Nó khởi ra việc đó rồi thì nó sẽ tiêu, chứ các bạn cần gì phải lo. Nó có chửi bạn thì rốt cuộc rồi cũng huề. Các bạn lo sửa đi, đừng dành thì giờ để tranh chấp mà đau khổ.

Bá nhẫn thành kim thị thái hòa: Học cái nhẫn cái gì mình cũng phải đặt chữ nhẫn, rồi thì nó cũng xong. Thành kim là thành tới một cái giá trị, lúc đó chúng ta đâu có người thù trong tâm mà đâu có người thù trước mắt nữa, đó là thái bình hòa hoãn rồi.

 

Trở lại back

THÍCH CA MÂU NI PHẬT:

Thích là ưa thích, Ca là tụng. Nói cho rõ tiếng Việt Nam, nó còn dễ cắt nghĩa hơn, là tôi thích ca tụng cái đạo mầu, mà tôi thực hiện và tôi đã thấy cái ánh sáng hư không. Còn người thế gian dùng Thích Ca Mâu Ni để làm việc cho người thì sai rồi. Rồi lấy luôn cái chữ Thích mà làm cái họ nữa, càng sai nữa, rồi đặt sự huyền diệu để lóe mắt người phàm, lấy vải thưa che mắt thánh chứ sự thật tu rồi là các bạn thích ca tụng cái đạo mầu, sửa để tiến tới vô cùng tận, kết tinh để trở về cái thánh thai mới đi về cái kêu là không không gian, không thời gian, phá chấp, phá mê, đạt tới Phật tánh.

 

Trở lại back

THIÊN ĐÀNG:

Cái tâm cho quân bình, sáng suốt, nhẹ nhàng, đó là thiên đàng, biết thương yêu, cởi mở. Còn cái tâm của chúng ta không chịu mở thì cái tâm đó các bạn không bao giờ tới được thiên đàng đâu. Mà chính thiên đàng là cái tâm. Cái khởi hành ở trong tâm. Nếu tâm các bạn không sửa, không quân bình thì không bao giờ có thiên đàng.

 

Trở lại back

THIÊN MÔN:

Ở trong bản thể trung tim bộ đầu cũng gọi là thiên môn. Mà khai thông thận thủy cũng gọi là thiên môn. Ở trong đó nó có nhiều giới. Trong cái Tiểu Thiên Địa nó có nhiều giới. Thiên môn là cái cửa để tiến lên trên Hư Không Đại Định. Trên đỉnh đầu xuất phát ra và dưới trái cật cũng có thiên môn, cũng mở ra được hết. Trái cật mà hư thì bộ đầu không có làm việc, ngơ ngơ ngáo ngáo, tâm thận bất hòa, đâu có làm được. Nhưng mà cái thận mạnh, bộ óc mới khai thông.

 

Trở lại back

THIỀN CA:

Thiền Ca là đem những cái triết lý ôn hòa truyền bá, hát ra những cái câu trong tâm thức của con người, truyền vô trong tâm thức thanh tịnh càng nghe càng nhẹ nhàng kêu bằng thiền. Nghe hát một đêm nhưng mà không mệt mỏi kêu bằng Thiền Ca. Cái âm thinh nó hòa tan trong chấn động tâm thức của mọi người kêu bằng Thiền Ca.

 

Trở lại back

THIỀN ĐỊNH:

Thiền là ngồi yên một chỗ, buông bỏ tất cả những sự vọng động. Định là định tâm cho phẳng lặng.
Thiền Định: Để thanh lọc mọi sự phức tạp đang bám sát xung quanh cơ thể của chúng ta. Mục đích của nó là làm cho cơ thể nhẹ nhàng và phần hồn thoát ly thế cảnh.

 

Trở lại back

THIỀN THỨC:

Thiền thức, có thiền mới có hiểu được. Còn nói lý, không bao giờ hiểu. Thiền nó khai mở tâm thức của con người. Nay hiểu một chút, mai hiểu một chút, lần lần hiểu chiều sâu của tâm đạo và hiểu cái khả năng sẵn có của chính mình mới dũng mãnh tu tiến. Thiền là phải thức. Khi mà ổn định là nó hiểu, nó thanh tịnh nó chỉ mở trí khai tâm nó mới hiểu.

 

Trở lại back

THIỆN GIÁC:

Thiện: trọn lành. Cái phần hồn các bạn được quy tụ rồi, sáng suốt rồi, mới hiểu biết sự sai lầm từ tiền kiếp và sự sai lầm ngay ở kiếp thế gian này mình cũng nhìn nhận là sự sai lầm của chính mình, mới kêu là người thiện giác.

 

Trở lại back

THÓI QUEN:

Là ở trong cái thích nó mới tạo ra cái thói quen. Nó thích cái này, nó thích cái kia, nó thích cái nọ, rồi nó quen. Còn chúng ta đi vô phá mê, phá chấp, không còn cái thói quen nữa. Nới rộng, ở đâu cũng được, sống cách nào cũng được, không có chấp thiên hạ.

 

Trở lại back

THỪA VÕ HÓA VĂN:

Chúng ta ở thế gian, chúng ta học ác trược. Người nào cũng có ác trược, cũng có cái lòng bất chánh suy nghĩ đối với người khác. Đó là ác trược. Hóa văn thì khi đạt được cái luồng điển rồi mới thực hiện Nhẫn và Từ Bi, rồi lúc đó viết văn thấy nó khác.

 

Trở lại back

THƯƠNG AI HƠN HỌ, THƯƠNG MÌNH HƠN AI:

Rốt cuộc các bạn thấy không? Mình nói mình đem tâm thương người đó, nhưng mà người đó khi mà thức giác rồi họ thấy họ phải thương họ nhiều hơn. Như ngày nay, các bạn tu các bạn thương các bạn nhiều hơn. Các bạn là yêu đời, thương cái thể xác này, thương cái tổ chức huyền vi của Trời Phật đã ban bố các bạn, các bạn thương Thượng Đế nhiều hơn, thương Đấng Cha lành nhiều lắm. Thì các bạn thương lấy các bạn.

Thì khi họ tu họ thức giác, thì họ cũng phải thương họ. Thương mình hơn ai? Có ai thương mình bằng mình không? Vợ mình thương mình, nó nói đôi môi, tạm trong cái thích dục vậy thôi chứ sự thật là mình phải thương mình nhiều hơn. Mình phải lo tu, để lo dọn gánh mà đi, chứ giờ phút lâm chung, vợ con có giúp mình được đâu. Cho nên mới có cái câu: Thương ai hơn họ, thương mình hơn ai.

 

Trở lại back

THƯỢNG GIỚI:

Khi mà làm Pháp Luân Thường Chuyển được lên trung tim bộ đầu rồi, cả ngày các bạn cứ nghĩ cái chuyện tiến triển đi lên thôi, thành ra nó quên cái dục.

 

Trở lại back

TÌ KHEO:

Mỗi bộ phận tim, gan, tì, phế, thận đều có người nhân viên làm việc, mỗi bộ phận 250 vị thì tổng cộng là 1250. Nó đang theo các bạn, các bạn theo ma, nó theo ma, các bạn theo Phật, nó theo Phật. Các bạn khai thông các bạn đi để các bạn hưởng chuyện đời đời, mà các bạn còn cố chấp hoài thì nó đâu có thấy mấy cái này, mà nghe chữ này các bạn còn ghét thêm nữa, là vì các bạn chưa có trình độ để thông cảm và hiểu.

 

Trở lại back

TIÊN ĐỒNG NGỌC NỮ:

Đó là hồn và vía. Đúng là như vậy. Xuống thế gian là tiên đồng. Vía là ngọc nữ, là mạo diện bên ngoài tươi đẹp đó. Mà nguyên căn của nó là tiên đồng, ngọc nữ.

 

Trở lại back

TIẾN HÓA:

Bây giờ chúng ta là người, mà chúng ta không chịu phát triển sự thanh cao thì bữa sau cái luồng điển của chúng ta nó không có nhẹ nữa, chết rồi thì nó chuyển vô trong cái chỗ thấp hèn. Con thú chẳng hạn. Đâu có phải con thú là không biết nóng, lạnh. Con thú biết nóng, biết lạnh, con thú biết thương yêu. Đó là một con người tự tiêu hao, luồng điển nó càng ngày càng nhỏ, càng eo hẹp. Còn chúng ta vun bồi sự sáng suốt thì chúng ta đâu có lâm vào cảnh đó ở tương lai.

 

Trở lại back

TIỂU THIÊN ĐỊA:

Nó cũng bao gồm trong kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Ngũ tạng lục phủ nó cũng như cái bầu trời thế giới vậy, nó có trên có dưới, có thượng, trung, hạ đầy đủ.

 

Trở lại back

TIN:

Phải thấy, thực hành, phải tự chứng nghiệm mới kêu bằng tin và đức tin. Còn bắt buộc người khác tin là phạm tội. Không có bắt buộc người ta được. Người ta tin là người ta phải thực hành và người ta thấy rõ thì người ta mới tin. Còn bắt buộc người ta tin, đó là phạm tội, không thể bắt buộc được, phải để cho người ta tiến hóa. Phải tự người ta ý thức, bởi vì trình độ nó phải đi tới, nó đang học, nó không tu theo Pháp Lí, nhưng mà nó vẫn tu. Nó làm con người là nó tu chứ. Nó có nhân đạo của nó mà.

 

Trở lại back

TINH KHÍ THẦN:

Tinh, khí, thần là chúng ta ăn tất cả những cái gì nó tề tựu cái nguyên khí của Trời Đất, chất nhờn đó từ nguyên khí của Trời Đất. Trong cơ tạng chúng ta thì có tinh mới có khí, nó cô động lại nó mới chuyển hóa cái khí. Có khí mới có thần. Như bây giờ chúng ta nói chuyện được chúng ta mới vui, còn nói chuyện không được là trong tinh khí không có trụ, thì âm thinh không có xuất phát thì làm sao có thần nhãn mà làm việc. Có tinh khí, bộ gan, bộ mật mới giúp được ba luồng điển tim, gan, thận đầy đủ con người nó mới nhẹ nhàng, thoải mái. Tim, gan, thận ba luồng điển đó không có giao hợp được là loạn thuyết, thích hơn thua.

 

Trở lại back

TỊNH ĐỘ:

Các bạn đi tới chỗ thanh tịnh rồi, các bạn mới gởi tư tưởng thiện lành, mới độ giác cho thiên hạ được. Phải cho thanh tịnh mới đạt được.

 

Trở lại back

TÔI:

Vì cái Tôi này nó hiện ra, cũng như là lấy một cái hình thức rất nhỏ mà dễ điều động và hóa giải, đi tới cái sự sáng suốt. Còn nếu cái Tôi này là cái ngã, mà không biết cái ngã này, làm sao khai thác cái ngã này? Rồi mà sau khi khai thác cái ngã này rồi, là vô ngã, không còn Tôi. Mà từ cái Tôi, là cái tối tăm này mà đi tới cái sáng suốt, mà khi đi tới sáng suốt này là “không Tôi”, là không còn tự ái nữa.

 

Tôi là trung tâm sinh lực của vạn vật – trung tâm sinh lực của vạn vật tự ý thức mới nói được cái Tôi. Còn chưa ý thức không bao giờ hiểu cái Tôi. Nó phát khởi từ trung tâm sinh lực sẵn có của vạn linh mới là nhận thức ra tôi. Tôi là sáng suốt vô cùng. Bây giờ con (ông Tám giảng cho một bạn tu) nghe nói, con làm việc, những tiếng động xung quanh, để làm gì? Để đánh thức tôi. Tôi là cái gì? Tôi là sáng suốt. Tôi hiểu tiếng động đó là gì? Tôi hiểu lời nói đó là gì? Tôi hiểu cái việc kia là gì? Đó là cái gì hiểu? Cái sáng suốt hiểu.

Cho nên, cái sáng suốt là cái Tôi và tôi biết vun bồi tôi lên, thì tôi sẽ càng sáng suốt hơn và sau sự sáng suốt đó, tôi mới thấy rằng tôi kém sự sáng suốt hơn cả Càn Khôn Vũ Trụ đang có. Mà tôi ráng tu nữa, tôi hòa đồng với Càn Khôn Vũ Trụ đó, nó mới biến thành một cái tôi đời đời bất diệt. Bao nhiêu triệu triệu, ức ức người thế gian nhưng mà Thượng Đế chỉ dùng ý chí dạy có một mà thôi: sanh và diệt, diệt và sanh. Thượng Đế chỉ có giữ có bao nhiêu đó thôi mà giáo dục con người từ kiếp này đến kiếp kia để cho nó hạnh ngộ, hiểu lấy nó. Hiểu rõ tôi và tất cả đều là tôi.

 

Trở lại back

TÔI TẦM TÔI:

Mình tu ở đây là tôi tầm tôi. Chính tôi thực hiện để tôi hiểu tôi chứ không phải tôi tu là để hiểu người khác. Tôi tìm hiểu người khác là bàng môn tả đạo, rồi làm thầy bói ăn tiền người ta còn mang tội thêm nữa. Còn tôi tầm đạo là để tôi hiểu tôi, tôi sửa tôi để tiến hóa.

 

Trở lại back

TRÍ THỨC:

Trí là phát triển vô cùng, Thức là thức giác, trong cảnh ngộ nào cũng thức giác. Nguyên lí của hai chữ trí thức chưa thông mà dám xưng danh, là người đắc tội. Tội đó ai ban cho họ? Chính họ, họ đã ban cho họ, giới hạn họ và họ không chịu tiến nữa thì họ chờ ngày xuống địa ngục để học thêm mà thôi.

Người trí thức nói tôi không chịu đứng chung với người đó, sợ họ lợi dụng tôi, rồi mang tiếng tăm, nhưng họ quên là họ từ cát bụi mà ra, họ lại cho là họ cao hơn cát bụi, vì họ chưa tìm ra Phật tánh. Khi mà họ tìm ra Phật tánh rồi, họ cũng thấy họ là cát bụi như ai, chẳng có gì có thể lợi dụng họ được. Họ càng biết phần hồn, thì chẳng có ai lợi dụng họ được. Thể xác họ cũng dơ bẩn như mọi người khác, không có cát bụi hòa hợp với họ, lấy gì có sự mưu sinh, nhưng họ còn ngu xuẩn đến nỗi chưa biết mình, căn bản của mình, rồi tự xa cách với tất cả mọi người, đi trong cảnh bơ vơ lầm than đen tối. Nếu họ biết đến phần hồn của họ thì đâu đến nỗi như vậy! Chẳng ai cướp giựt được quyền sở hữu của họ mà sợ mất, làm sao họ sợ lợi dụng, làm sao họ sợ bán đứt thanh danh của họ, vì nguyên căn thanh danh của họ là cát bụi mà thôi.

Người đời ngu xuẩn cho đến mức đó, rồi ôm cuốn sách này, ôm hết cuốn sách kia, rồi học luật này luật nọ, chưa biết luật Trời, luật căn bản của Trời, của mình, luật cát bụi tạo thành một khối trong tựu có tan, rồi cũng bất minh, rồi đâm ra tự vệ cho ta đây là cao, ta đây là tốt, ta đây là đẹp, ta đây là người giàu sang quý báu hơn người khác; phân giai cấp từ tâm hồn, cho nên giờ phút lâm chung lại bị đọa, bị tội đến nỗi câm không nói ra tiếng, bịnh nằm trên giường. Phận làm tới hàng đại sứ cho đến đâu đi nữa rồi cũng u ơ, ú ớ chẳng nói ra lời, ai muốn khiêng bỏ đâu thì bỏ, lúc đó hết quyền lực, mới thấy rõ quyền lực tự đắc đó là sai lầm. Quyền lực sanh tử là quyền lực của Thượng Đế. Lúc đó, mới nhìn nhận mình là ngu dốt nát ngu si, đành xuống a tì địa ngục mà chịu tội. Cho nên, ở thế gian rùm beng để ông này bà nọ, lúc xuống địa ngục rồi khóc nức nở, kêu đầu này cầu cứu, đầu kia cầu cứu, chẳng ai ngó ngàng.

Khuyên người đời phải lo tu bổ sửa chữa, để trở về căn bản, hiểu sự sai lầm của chính mình, càng ngày càng sớm càng tốt hơn. Nếu tự thị, tự đắc rồi phải chịu lấy mà thôi, không ai cứu được mình, rốt cuộc chồng mình cũng không phải của mình, con cũng không phải của mình, chính thể xác cũng chẳng phải của mình, bằng không ta ôm lấy phần ngu muội mà đi học lại mà thôi.

 

Trở lại back

TRIẾT LÍ:

Triết lí thế gian là nó eo hẹp, nó giới hạn thôi, nó nói cho hợp cái lí để giúp cái công chuyện đó cho nó, chứ còn nó không có nói để cho người ta ý thức được họ và họ phải trở về với họ. Mà cái tu về điển, cái triết lí về điển cũng như miếng kiếng để rọi cho người ta thấy, dơ chỗ nào thì tự chùi đó thôi. Còn cái triết lí ở thế gian nó chỉ giới hạn. Còn cái thanh điển là nó vô giới hạn. Cho nên, nhiều người trí thức không có phục những cái lời giải này. Nhưng mà tu thiền rồi sẽ thấy. Những người tu thiền rồi thì sẽ tự thấy và không biết nói sao cho người ta biết được.

 

Trở lại back

TRUNG GIỚI:

Là nơi làm việc cho trên và dưới. Cái chỗ đó là cơ quan chỉ huy, mà Trung Thiên cũng gọi là cơ quan chỉ huy của Càn Khôn Vũ Trụ. Và cái con tim của các bạn đang chỉ huy trên đầu và dưới ngón chân các bạn đều là quản lí do phần hồn ở trong Trung Thiên Thế Giới, nơi làm việc. Chỗ đó xuất phát vừa Địa Tiên, vừa Thiên Tiên, đi lên là Thiên Tiên mà đi xuống là Địa Tiên.

 

Trở lại back

TRUNG TÂM SINH LỰC CÀN KHÔN VŨ TRỤ:

Là trung tim bộ đầu của chúng ta đây. Bây giờ nơi cái bộ đầu của các bạn nó có nhiều huyệt phía bên tay mặt, phía bên tay trái, hai đường gân giữa trung tim đó mà chuyển hóa hai bên này, mà nó đứt một bên là liệt một bên, đứt bên tả thì liệt bên hữu, mà đứt bên hữu thì liệt bên tả. Người nào mà bị đứt cái đó thì không có cách gì mà trị được.

Mà bây giờ chúng ta hướng về trung tâm, rồi cái bách hội trung tâm này mà hướng thẳng về sinh lực của Càn Khôn Vũ Trụ thì chúng ta được bố hóa, được thông suốt và chúng ta được sống với vạn linh dễ dãi hơn và mọi trạng thái chúng ta thấy rất dễ hòa hợp, chúng ta không có nghịch một ai, không có bao giờ thù, luôn luôn thêm bạn và bớt thù.

 

Trở lại back

TRUNG THIÊN:

Trung thiên thế giới là trung tâm sinh lực của Càn Khôn Vũ Trụ. Mà chỉ có tu mới đi tới đó, chứ bây giờ ngồi nói ai mà biết. Chỉ có tu mới đi tới. Trung giới cũng vậy, chỉ là Trung Thiên thôi.

 

Trở lại back

TU HÀNH:

Tu là tu bổ và sửa chữa bất cứ một nẻo hóc nào bất thông. Hành là phải công phu làm cho kỳ được, đánh đuổi tất cả những tánh xấu man rợ, sẵn có, đang tụ tập trong trí óc của chúng ta hằng ngày.
Muốn cho được thật sự thanh tịnh, chúng ta phải tự công phu, hành đúng pháp của người đã thành công truyền lại cho ta.
Khai thông sáu cái luân xa đang bị ngoại cảnh và lục căn lục trần lôi cuốn bao vây tâm trí ta và quyền năng của bản thể chúng ta, nó không ngoài Lục Tự Di Đà.

 

Trở lại back

TỤNG KINH:

Các bạn Soi Hồn là các bạn tụng đó, cho những cái thần kinh nẻo hóc bộ đầu nó khai triển ra, nó mở ra. Bởi tụng là buộc, các bạn vô đọc kinh có phải là buộc không? Còn ở đây các bạn Soi Hồn là các bạn bắt buộc nó phải khai thông. Ở trong chùa tụng kinh là để hiểu cái lí, mà cái này là các bạn Soi Hồn “tụng” để mở ra hiểu chơn lí.

 

Trở lại back

TUỒNG HÁT:

Đời là tuồng hát rõ ràng. Việc này Thượng Đế đã sắp, người này đối diện người kia, người kia đối diện người nọ, người này theo người kia, người kia theo người nọ, trong cái hỉ, nộ, ái, ố: một tuồng hát.

Trong đó nó cũng có tham, sân, si, rồi coi thử kép nào hay, kép nào thông minh, cái người nào đóng tuồng xứng đáng, thực hiện đức từ bi thì căn nguyên người đó nhẹ. Khi mà hát hết cái tuồng rồi thì được chấm điểm. Bây giờ chúng ta đang sống đây là chúng ta đang làm tuồng này. Mà chúng ta làm tuồng hay, làm tuồng thực hiện tình thương và đạo đức, thì cái ngày chúng ta ra đi chúng ta được chấm điểm, được nhẹ hơn.

 

Trở lại back

TỨ TRỤ HÒA PHÂN:

Trong bản thể chúng ta, đông, nam, tây, bắc đều có một vị đang trụ trì và giữ cái thế sống cho Tiểu Thiên Địa. Cho nên nó phải có tứ trụ. Hòa phân là giữ và giải để tiến hóa cho cái cơ thể này được bảo vệ để cho phần hồn được tu. Tứ trụ này nếu mà chúng tu thức giác rồi thì chúng ta ngộ bốn đứa con ta cũng là bốn vị tướng trong bản thể, mà nói cho người phàm họ không hiểu và họ chấp, họ nói anh nói bậy. Thì chỉ có thực hành mới thấy chứ bây giờ cũng không biết nói sao.

 

Trở lại back

TỨ XA LỘ:

Tứ Xa Lộ của Tiểu Thiên Địa trong đó có bốn luân xa nhỏ ở dưới. Mà trong đó nó phân ra nó làm cho cái hỏa nặng, toàn là chỗ nặng không, trong đó cũng như là hành hạ những cái phần hồn của những con thú mà chúng ta ăn vô nó đem xuống, chuyển giải rồi thanh lọc để cho nó thức giác lần lần đi lên. Cái bản thể chúng ta cũng có địa ngục. Trong cái tứ xa lộ đó là để phân ra thứ tự để giáo dục tiến hóa.

 

Trở lại back



U



V

Trở về đầu trang top

VẬT CHẤT:

Trước kia Đức Phật có nói rằng: một hột cát là cả một Càn Khôn Vũ Trụ. Nếu mà mình hiểu là nguyên lí của hột cát cũng như tôi giảng ở bên trên rồi, thì nó cũng phải đi từng giai đoạn một. Rồi bây giờ chúng ta thấy hồi trước chúng ta dốt, chúng ta bước vào đời, thôi thì chúng ta phải học cái chữ A trước chứ gì? Ngày nay chúng ta đã làm hột cát rồi. Rồi lần lần nó đi tới cái này, cái kia, cái nọ, rồi mọi trạng thái, nó biến thành một trí thức thâu góp mọi trạng thái của sách vở đời. Còn chúng ta tiến về sự trí thức vô cùng của Thượng Đế thì chúng ta phải học Kinh Vô Tự, là chúng ta phải hòa hợp với thật sự nguyên căn của mọi trạng thái, của kim thạch, của thảo mộc, của vạn linh.

 

Trở lại back

VÔ MINH:

Vô minh là tại mình không hiểu mình mà thôi. Nếu tu để hiểu mình thì nó dẹp cái vô minh rồi.

 

Trở lại back

VÔ THỪA:

Là không cần dựa nương một cái gì, tự động họ có thể phát triển, kêu bằng Đại Định Giới, kêu bằng Vô Thừa.

 

Trở lại back

VŨ TRỤ QUANG:

Vũ trụ quang là thanh quang Bên Trên ban chiếu và tận độ cho vạn linh cả thế giới cộng hưởng

 

Trở lại back



X

Trở về đầu trang top

XÁ VỆ QUỐC:

Chúng ta biến cái tiểu thiên địa động loạn này thành một cái Xá Vệ Quốc là mình tự bảo vệ lấy mình để tiến hóa, không làm sự phiền hà cho một người khác.

 

Trở lại back

XẢ THÂN CẦU ĐẠO:

Là chúng ta phải tu, phải giải cái trược khí này, nó lưu thanh cái bản thể này, nó mới đi tới cái đạo pháp, chứ không phải bỏ nhà ra đi là xả thân cầu đạo. Cái đó trật rồi. Xả thân cầu đạo là xả những trược ô trong cái Tiểu Thiên Địa này, và nó đi tới sự sáng suốt nó mới rõ cái đạo.

 

Trở lại back

XUẤT HỒN:

Thế nào gọi là xuất hồn? Khi chúng ta tu mỗi ngày khai triển một chút, mỗi ngày khai triển một chút, cho đến nỗi các bạn thấy có điển rồi, biết điển rồi, thì nó sẽ trụ. Mà sau khi trụ rồi, các bạn nói tu đây hồi nào tới giờ tôi không thấy xuất hồn, mà một ngày đó các bạn thấy có lúc từ ở trên kia dòm xuống thấy bản thể, thì lúc đó các bạn thấy rằng tôi đã đi từ bao lâu, ngày nay tôi mới tới đây. Cho nên không cho các bạn thấy liền trong một lúc. Nếu các bạn thấy liền trong một lúc các bạn bỏ đời. Bởi vì cái nghiệp của các bạn, các bạn phải gánh, nghiệp vợ con các bạn, bạn phải gánh làm sao cũng phải lo giải quyết. Không vợ con gia đình không hòa nhã, không tiến triển, làm sao các bạn tu được đạo pháp gì mà nói cho thiên hạ nghe. Các bạn học có cái nhẫn đối với gia đình mà học không nổi, làm sao mà các bạn chịu nổi cái sự ở bên ngoài tấn công các bạn, rồi nói các bạn đem cái pháp đi độ người ta là độ làm sao được. Cho nên phải có sự khắt khe. Các bạn có nhiều sự khắt khe của gia cang, thì các bạn mới thấy giá trị của sự thanh tịnh mà để giải quyết những sự mà các bạn cho là nan giải. Dù các bạn học giỏi nhưng mà cái chuyện gia đình là cái chuyện nan giải nhất.

Mà chỉ có tu, hành trì mới cứu độ cho nó cũng như là tứ quý vậy; mùa này cũng bịnh, mùa kia cũng bịnh, có gió sương là có bịnh, là có cái tật. Mà bây giờ mình là người phải sửa cái tật trong gia đình, cho nó điều hòa thì nhiên hậu mình mới ảnh hưởng bên ngoài được là vậy. Đó! Mà thế nào là xuất vía? Cái hồn nó ổn định thì cái vía nó không có làm gì, nó rảnh thì nó xuất, nó xuất là nó lo dọn đường cho cái hồn để đi lên, bởi vì ý chí của hồn nó nói: "tôi phải xuất khỏi bản thể" thì cái vía nó phải đi, cho nên nhiều khi các bạn ngồi hay nằm thấy nó xuất ra nó bay nó lộn ngược, lộn xuôi, đó là cái vía nó đi chơi. Còn cái hồn nó khác. Cái hồn phải nghiêm trang, phải học hỏi, xuất ra đi trên cao, dòm lại thấy thể xác và quyết định những cái gì đều là sáng suốt.

 

Trở lại back

XUẤT VÍA:

Chủ Nhơn Ông chịu tu, phần hồn chịu tu, thì cái vía rảnh. Cũng như ông chồng tu, ông dễ dãi thì bà vợ cho ông ăn ngày hai buổi đơn giản cũng được! Rồi bà cũng rảnh, bà cũng đi đây, đi đó, bà cũng đi chơi được! Cũng nhẹ phần lo lắng. Còn nếu mà ông chồng cứ khắt khe đối với người vợ hay là người vợ khắt khe đối với người chồng thì cái vía đâu có rảnh. Thấy không? Chủ Nhơn Ông mà khắt khe thì cái vía nó đâu có rảnh, nó bị bận rộn thì cái mặt mày nó không có bao giờ tươi đẹp, càng ngày càng già nua xấu xí. Còn người ta chịu tu thì cái phần hồn nó thức giác, cái vía nó nhẹ, cái vía là bề ngoài mà thôi; mặt mày nó tươi vì Chủ Nhơn Ông không có đòi hỏi sự bận rộn của bên ngoài nữa, nhưng mà Chủ Nhơn Ông tự sửa để ảnh hưởng bên ngoài.

 

Trở lại back



Y

Trở về đầu trang top

YÊU THƯƠNG:

Khi mà các bạn không tu và không phát triển cái tâm điển thì làm sao mà các bạn yêu thương được. Trước khi yêu thương là các bạn phải phóng cái điển lành cho họ để tâm tư họ thức giác, họ biết họ là quý, họ trở về với họ, bạn mới thực sự yêu thương họ. Còn bạn ôm hôn hít, cái đó không phải yêu thương. Độ cho họ hiểu họ thì mới là yêu thương. Mà muốn độ cái đó là mình phải tu, mình phải biết yêu thương mình, nhiên hậu mới ảnh hưởng cho người khác tự yêu thương, đó mới là chơn chánh.

 

topTrở về đầu trang