Thiền Ca VÔ VI Trong Âm Nhạc (Phần II)

của Trường Kỳ

 

Sau giai đoạn đầu tiên, đánh dấu bằng chương trình Thiền Ca Vô Vi tổ chức tại Frankfurt vào năm 95 cho đến năm 98, giai đoạn thứ hai của Thiền Ca Vô Vi khởi đầu bằng sự hợp tác của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vào năm 99. Hoàng Thi Thơ được coi như người đã mang lại nhiều sinh khí cho Thiền Ca, tạo được sự gần gũi hơn với mọi người. Trước đó Thiền Ca Vô Vi đã được phổ biến rộng rãi với phần phổ nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi danh từ những bài thơ và ý đạo của thiền sư Lương Sĩ Hằng. Tuy nhiên sự thâm thúy và sâu sắc trong những bài Thiền Ca đó cần phải được nghiền ngẫm và để tâm suy nghĩ mới có thể thấu hiểu được cặn kẽ nội dung do những ngôn từ trừu tượng nặng về phần đạo. Nhưng từ khi Hoàng Thi Thơ đến với Thiền Ca, ông đã mang lại một thay đổi quan trọng bằng dòng nhạc linh động qua nhiều thể điệu. Còn lời ca được diễn tả bằng những ngôn ngữ bình thường, với những nội dung đi sát với những tình cảm và hoàn cảnh diễn ra thường ngày.

Cũng từ khi Hoàng Thi Thơ đến với thiền ca cho đến nay, tức hơn 2 năm sau khi ông qua đời, những sáng tác của ông vẫn giữ một vai trò chủ yếu trong những chương trình Thiền Ca Vô Vi, được liên tiếp diễn ra tại nhiều thành phố lớn ở Canada và Hoa Kỳ với những chủ đề khác biệt. Năm 99, chương trình “Anh Và Tôi” được tổ chức tại Toronto; năm 2000, chủ đề “Duyên Lành” tại Philadelphia; năm 2001, chủ đề “Dũng Hành” tại Orlando và năm 2002 vừa qua, chương trình “Khí Giới Tình Thương” đã diễn ra tại thành phố Houston, với sự tham dự của 1800 khán giả. Vào ngày 25 tháng 10 tới đây, một chương trình Thiền Ca qui mô mang chủ đề “Tiếng Trống Đại Đồng” sẽ được tổ chức tại San Jose với sự góp mặt của hàng chục nghệ sĩ đến từ nam California, từ Úc Châu và Canada. Hầu hết trong những chương trình này – sau đó được đưa vào DVD và CD - sự linh động và phong phú về âm nhạc đã được thể hiện một cách rõ ràng, đặc biệt là với những khúc thiền ca của nhạc sĩ họ Hoàng,

Cái khéo của người nhạc sĩ tài hoa này là đưa được những ý đạo, những triết lý Vô Vi vào những sáng tác của mình để trở thành những ca khúc tâm linh nhưng không xa vời với cuộc sống. Thêm vào đó, dòng nhạc của ông đã được trợ lực bằng nghệ thuật hòa âm của nhiều nhạc sĩ tài danh, trong số có người con trai ông là nhạc sĩ Hoàng Thi Thi. Ngoài ra còn có những tên tuổi khác, như Phạm Vinh, Chí Tài, Chí Tâm, Robert Guerin, Đức Thành, vv...Âm điệu của Thiền Ca từ đó trở đi trở nên trong sáng, trẻ trung hoặc đôi khi còn có phần kích động với những tiết điệu tươi vui như Bebop hoặc Rock...

Khi còn sinh tiền, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tuy có một “trái tim đập rất yếu, nhưng rung động rất là mạnh” đã đưa những cảm xúc của mình đến với Thiền Ca vào những năm tháng cuối đời. Trong cuộc đời ông, Hoàng Thi Thơ đã yêu, đã ca hát và cuối cùng đã cầu nguyện nên ông từng tuyên bố là “đến giờ vĩnh biệt, tôi không có điều gì ân hận" trong một cuộc phỏng vấn dành cho người viết trong những năm tháng cuối cùng. Từ sự cầu nguyện của mình, với một tâm hồn không còn vướng mắc nợ trần, ông đã đến với Thiền Ca như từng tuyên bố tại chương trình Thiền Ca “Anh Và Tôi” tại Toronto, trong đó ông đã có công sáng tác và dàn dựng 10 ca khúc:”Khi người đại diện của bên Thiền Ca Vô Vi tới tiếp xúc với tôi và cho tôi những cuốn video và những bài thuyết pháp của Thầy Tám thì khi họ mời tôi hợp tác, tôi nhận lời ngay. Đó là một cơ duyên không hiểu tại sao tới. Thực sự ra, tôi nghĩ từ đây cho đến chết chỉ nằm bẹp thôi, không làm gì nữa. Thế mà tôi tới với Đạo và cố gắng dàn dựng và sáng tác 10 ca khúc để trình diễn hôm nay thì đó là một sự cố gắng của tôi. Và đó cũng nói lên được cái lòng tôi đối với Thầy và đối với Đạo cũng như đối với tất cả bạn đạo”

Trong những ngày cuối đời, Hoàng Thi Thơ đã ví cuộc sống của mình như một ông Tiên...Chỉ khác một điều là trái tim ông còn biết rung động khiến ông không thể ngưng công việc sáng tác của một người nghệ sĩ. Thường buổi sáng khi thức dậy, ông uống nước, nhìn ra giàn hoa để thấy đàn chim nô đùa, cất những tiếng hót líu lo. Từ đó, ông cho biết đã nghe vang vọng lại những tác phẩm của mình để lại tiếp tục viết nhạc và đọc sách mặc dù sức khoẻ ông khi đó đã đến thời kỳ rất suy yếu về bệnh tim. Tuy mang một căn bệnh nặng, Hoàng Thi Thơ vẫn giữ được sự lạc quan đến cuối đời để thấy cuộc đời luôn đẹp đẻ. Với sự rung động luôn dạt dào của mình, vào những ngày cuối đời, Hoàng Thi Thơ đã sáng tác nhiều bài Thiền Ca, theo ý thơ hay ý đạo của thiền sư Lương Sĩ Hằng, là người đã đưa ra nhận xét là Hoàng Thi Thơ là người diễn tả được triết lý của cuộc sống một cách rõ rệt, dễ hiểu nên dễ nhập lòng người.

Ngoài nhạc tình hoặc những nhạc phẩm đượm nét tình tự dân tộc, không kể những trường ca, những nhạc cảnh, Hoàng Thi Thơ không viết một nhạc phẩm thuộc về tâm linh nào, ngoại trừ nhạc phẩm Kinh Chiều. Nhưng sau khi tiếp xúc với Hội Vô Vi, Hoàng Thi Thơ đã đến với Thiền Ca để viết những nhạc khúc thuộc về tâm linh đến từ lý do như ông nói là sau khi đã đọc, đã nhìn và đã xem tất cả cái lý thuyết của Thầy Tám cũng như triết lý Vô Vi, ông đã nẩy ra ý định viết nhạc tâm linh.

Khi được hỏi về sự khác biệt giữa việc sáng tác nhạc tình và nhạc tâm linh, tác giả của những bài tình ca như Tà Áo Cưới, Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng, Hỏi Người Còn Nhớ Đến Ta, Niềm Đau Của Cát, Hình Ảnh Người Em Không Đợi, Xe Hoa Một chiếc, Tango Nhớ, vv...đã cho biết là viết nhạc tình dễ dàng hơn nhạc tâm linh, miễn có sự rung động là được. Trong khi đó nhạc tâm linh đòi hỏi một sự chú tâm vào những ý đạo, những triết lý sâu sắc cộng thêm với cảm xúc để thấu hiểu rõ ràng nên rất khó, điển hình như 10 nhạc phẩm trong chương trình “Anh Và Tôi”: ”10 bài đó không phải làm cho tình yêu mà chính là làm cho đạo. Muốn làm cho đạo, đưa những triết lý và ý tưởng vào rất khó. Khó ở cái chỗ làm thế nào cho nó sống động, cho nó dễ hiểu, cho đi vào lòng người tuy là nhạc đạo, đó là cái điều rất khó”.

Tuy khó, nhưng Hoàng Thi Thơ đã đạt được tất cả những yếu tố cần thiết để viết thành những ca khúc thiền rất thoát, như thiền sư Lương Sĩ Hằng từng nhận xét.

Riêng với thiền sư Lương Sĩ Hằng là tác giả những bài thơ và ý đạo được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, trong số đặc biệt là Hoàng Thi Thơ, cho biết chủ trương của Hội Vô Vi là đưa Đạo vào Đời bằng âm nhạc với mục đích “là dùng thiền ca âm nhạc để người ta nghe, người ta thấm thía và người ta hiểu cuộc đời họ tự sửa “. Thiền sư Lương Sĩ Hằng còn nói thêm là chính Hoàng Thi Thơ cũng đã thấu hiểu được vấn đề triết lý Vô Vi trong thiền ca "vì ông ấy trước khi chết cũng biết rồi. Ông ấy đã ví cuộc sống như chiếc lá vàng.”.

Tuy đã ra đi, nhưng Hoàng Thi Thơ đã có được điều ông cho là cần thiết nhất trong cuộc đời nghệ thuật của mình là được mọi người yêu mến về những gì ông đã làm khi còn sinh tiền.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh ngày 01 tháng 07 năm 1929 ( Mậu Thìn ) tại làng Bích Khê, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông thuộc dòng họ Hoàng Hữu, một giòng họ khoa bảng lẫy lừng ở Quảng Trị. Con cháu của dòng họ này đã đỗ đạt cao từ đời thứ 13. Thân phụ ông là Hoàng Hữu Bính cũng là một đường quan của triều đình Huế dưới triều vua Đồng Khánh với chức Lang Trung Bộ Công, tước Thái Thường Tự Khanh.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã vĩnh viễn ra đi vào khoảng hơn 8 giờ sáng ngày Chủ Nhật 23 tháng 9 năm 2001 tại nhà riêng ở thành phố Glendale, nam California.

Khi còn sinh tiền, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ không nhận đào tạo ai đi vào con đường ca nhạc ngoài hai người là Họa Mi và Sơn Ca. Đối với ông đây là hai trường hợp hi hữu do sự tin tưởng của hai giọng ca này đặt nơi ông rất lớn.

Nữ ca sĩ Sơn Ca, một trong nhiều nghệ sĩ đã đến với những chương trình Thiền Ca từ nhiều năm nay cho biết cô đang để tâm đến việc theo phương pháp Thiền này để có được một sức khỏe khả quan hơn cũng như có được một đời sống tâm linh thanh thản và nhẹ nhàng hơn.

Còn về Ái Vân, sau khi đến với Thiền Ca, theo sự nhận xét của thiền sư Lương Sĩ Hằng, cô đã thấu hiểu được nguyên lý vô vi sau khi liên tiếp xuất hiện trong những chương trình thiền ca: ”Như Ái Vân bây giờ cũng hiểu nhiều lắm, cũng thấy mình sống cao hơn, dễ buông bỏ chuyện đời hơn”.

Trước sự sống động, đôi khi kích động với những nhịp điệu rộn ràng như Rock hay Bebop trong những nhạc phẩm thiền, không ít người đã đặr ra câu hỏi đại ý là một khi tu hành hay theo phương pháp thiền thì sự trang nghiêm phải là cần thiết, nhưng tại sao Hội Vô Vi lại tổ chức những chương trình ca nhạc với những âm thanh sôi nổi, tươi vui. Trả lời cho thắc mắc này, thiền sư Lương Sĩ Hằng cho là trong đời sống con người luôn có tĩnh và có động, như thế mới có được sự quân bình. Thiền là tĩnh, âm nhạc là động cho nên được phối hợp với nhau để có được sự quân bình. Hơn nữa theo ông thì hiện nay thiên cơ đã thay đổi, chấn động khắp nơi nơi. Thiên cơ chấn động mà người tu hành không hiểu được sự chấn động của càn khôn vũ trụ thì làm sao trở về với tĩnh được.

Với quan niệm phối hợp tĩnh và động để tạo được sự quân bình, cùng một lúc dựa trên vấn đề tâm lý trong việc phổ biến con đường thiền tu, Hội Vô Vi cho biết họ sẽ tiếp tục đi theo con đường mà trong đó âm nhạc giữ một vai trò quan trọng để đến gần với mọi người hơn với những tiết điệu mới mẻ và những lời ca bình dị và sát với thực tế.

Trường Kỳ

backTrở về trang trước