Thiền Ca Vô Vi

của Minh Khải

 

Mới vào Đạo được 2 tháng, và trước khi rời Vancouver, tôi được một bạn đạo tặng cho 2 cuốn cassettes Thiền Ca, 1 bộ Phụ Ái Mẫu Ái và 1 cuốn băng Thầy niệm Lục Tự Di Đà để làm hành trang tu học. Đây chính là những âm hưởng theo tôi suốt đoạn đường dài 12 giờ lái xe về Montréal để nghe Thầy giảng đạo pháp mỗi cuối tuần. Vốn mê nhạc nên đối với những tên tuổi trong nghành nhạc Việt như Phạm Duy, Trần Trịnh, Trầm tử Thiêng, Nhật ngân, Duy Khánh v.v.. tôi không nén được sự hăm hở muốn nghe... Nhưng phải thú thật, lần đầu tiên khi nghe nhạc Thiền Ca này, tôi không nghe hết được 1 cuốn băng. Một sự kinh ngạc lớn trong tôi, tôi tự hỏi và nghĩ thầm nhạc gì mà kỳ quá, nhạc đi đường nhạc, lời đi đường lời, mà lời thì lại càng kỳ cục hơn nữa, sử dụng những ngôn từ mà lần đầu tiên nghe tôi không tránh khỏi bỡ ngỡ.


1. PHÁ MÊ PHÁ CHẤP

Trước khi nghe Thiền Ca, trong đầu tôi chờ đợi những nét nhạc thanh thoát, thơ mộng, nhẹ nhàng của cảnh Tiên kiểu Lưu Nguyễn Lạc Đào Nguyên trong Thiên Thai của Văn Cao hay Tiếng Sáo Thiên Thai, Cành Hoa Trắng của Phạm Duy hay Tống Biệt của Tản Đà và Võ đức Thu với những ngôn từ êm dịu, mơ mộng, thanh nhẹ mà chúng ta thường gặp trong các bản nhạc Tiền chiến. Sự chờ đợi của tôi tắt ngấm với những ngôn từ mạnh bạo như :
    -truy tầm thanh an
    -đấu tranh chẳng còn
    -tiêu diệt ác ôn...
... là những ngôn ngữ thường gặp trong lãnh vực đấu tranh chánh trị.
Còn nhạc thì chẳng có thanh nhẹ, thơ mộng chút nào. Âm điệu thì rất đời, thời thượng như dùng các thể điệu khiêu vũ để diễn tả về tình yêu Trời Phật, về sự tu học... đôi khi giữa nhạc và lời lại không ăn khớp nhau.

Phải mất nhiều tháng sau tôi mới quen được với không khí Thiền Ca này và bắt đầu thấy thích, tôi khám phá ra trong đó có cái gì rất là thu hút, khiến tôi cứ nghe hoài không chán. Điều này hơi lạ đối với tôi, vì ngay cả nhạc tiền chiến, mặc dù rất thích nhưng cũng không thể nào nghe đến nhiều lần như thế, bởi vì nó tạo cho tôi cảm giác ủy mị, tình cảm ướt át, ray rứt đến độ không chịu nổi nữa. Trái lại ở Thiền Ca Vô Vi tôi không thấy mình ủy mị chút nào, càng nghe càng thấy mình trong sáng và vơi đi niềm sầu. Hiện tượng này giống như khi nghe băng Thầy giảng, càng nghe càng thấy nhẹ nhàng trong sáng. Chắc chắn là phải có cái gì ẩn tàng trong đó !.

Và nhất là tôi khám phá ra rằng trong đó có một cái HỒN mới, hoàn toàn mở ra một hướng khác hẳn với những gì tôi đã nghĩ và biết từ xưa tới giờ. Khi tôi nghĩ một ngôn ngữ chỉ được sử dụng trong lãnh vực này hay lãnh vực nọ, phải chăng chính tôi đã tự giới hạn ngôn ngữ hay là tự trói buộc ngôn ngữ vào sự eo hẹp của chính mình? Còn âm điệu Thiền Ca thì tôi tìm thấy rất gần với cuộc sống vì Đạo ở ngay trong cuộc sống nên không cần phải dùng những nét nhạc huyền hoặc sương khói để diễn tả Đạo nữa. Cảnh Tiên Phật ở ngay trong tâm chúng ta mà thôi.

Sự siêu diệu của Thiền sư Lương Sĩ Hằng là đem đến cái Hồn Đạo trên những ngôn từ mà từ xưa tới giờ không ai sử dụng để diễn tả Đạo cả. Cho nên điểm khởi hành để vào nhạc Thiền VÔ VI là sự trống không, không định kiến.

2. CỨ VẤN VƯƠNG HOÀI

Và như vậy cứ mỗi tuần tôi có 12 tiếng đồng hồ nghe Thiền Ca trong xe. Các âm điệu đã quen rồi, tôi bắt đầu tìm hiểu lời thơ của Thiền sư Lương Sĩ Hằng. Lúc đó mới vào Vô Vi nên tôi cũng không hiểu nhiều khi nghe những lời nhạc, chỉ biết rằng có những câu, những chữ cứ vấn vương trong đầu tôi hoài như :
Nhớ trời mà tiến nhớ nơi an toàn
(Xuân vui)

Sau này mỗi khi niệm Lục tự Di Đà tôi lại tự động nghĩ tới câu này và hướng tâm lên trên để niệm Phật.
Một bước chân đi một niệm hành.
(Dấu Kỷ Niệm)

Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại nhớ câu này, và cũng không hiểu nghĩa niệm hành là gì, sau này nghe băng Thầy thì tôi mới hiểu. Thành thử khi nào đi bộ thẩn thơ thì tôi lại nhớ tới niệm hành và cố gắng thực hiện.
Tình em sống động lại sang,
Nhớ em anh phải đàng hoàng hơn xưa.
(Thương Em)

Ban đầu tôi nhớ câu này chỉ để đùa thôi, vì tôi thường đùa với một người bạn gái như vậy, nhưng càng lâu câu này trở thành một sự nhắc nhớ cho tôi về tư cách mình.
Hồn tu Hồn tiến, Hồn ôn lại bài
(Thanh không)

Cuộc đời là bãi trường thi, kích động phản động chỉ là bài học để tiến hóa mà thôi. Ban đầu tôi nhớ cũng vì chữ HỒN quá lạ đối với tôi. Sau này lại trở thành nguyên tắc giúp tôi trong cuộc sống.
Pháp giới khai minh rõ kiếp tiền
(Rồng bay)

Khi hiểu câu này rồi thì tôi càng thấy sự siêu diệu của cái Pháp mà tôi đang theo, bởi vì tôi cũng muốn biết rõ kiếp tiền của tôi là ai hay là cái gì! Riêng câu sau này khi nhớ chỉ vì âm thanh thơ mộng của nó, sau rõ nghĩa tôi càng thấy hay hơn.
Hướng về thanh tịnh bỏ quên đường dài
(Tiên giới thiền ca 3)

Hoặc có đôi khi mệt mỏi bỏ thiền thì tôi lại trách tôi
Xác thân nặng trược ê chề,
Đời đà lôi cuốn bối bê trăm chiều.
(Quê mẹ)

3. CHỦ ĐỀ

Chủ đề của Thiền Ca Vô Vi dựa trên các bài thơ của Thiền sư Lương Sĩ Hằng tương đối rộng rãi, từ ĐỜI qua ĐẠO, từ THIÊN NHIÊN đến TÌNH YÊU mà tôi chỉ lược trình những chủ đề tiêu biểu như sau:

  • Cuộc Đời Giả Tạm :
  • Đời người một kiếp bao năm,
    Hồn mang xác mượn muốn thăm muốn dò..

    (Hướng trời)

     

  • Quê Hương Nguồn Cội :
  • Chẳng còn ý niệm tâm ma,
    Vào vòng ánh sáng chan hòa tình thương.

    (Tiên giới thiền ca 3)

     

  • Tình Yêu Nam Nữ :
  • Tình đâu mà mất bạn ơi.
    Đem lòng thương nhớ đứng ngồi không yên

    (Thất Tình)

     

    Thành tâm hướng trọn chơn lòng
    Nhớ anh trong lúc cơ còng dễ thương

    (Vẫn yêu Anh)

     

  • Tình Yêu Trời Phật :
  • Yêu ai chẳng biết biết yêu mình,
    Yêu Trời yêu Phật hành trình quang khai.

    (Yêu)

     

    Nhớ Trời nhớ Phật bên nhau,
    Từ quang thanh tịnh chuyển màu thức tâm.

    (Nhớ nhau)

     

  • Thiên Nhiên :

  •     -Nắng Hè

    Nắng Hè gay gắt độ tha,
    Vô cùng rực rỡ chan hòa tình thương.

    (Nắng Hè)


        -Thiên nhiên hùng vĩ

    Nhìn xem hùng vĩ của Trời,
    Độ tha tại thế đời đời dựng xây
    Chuyện mưa chuyện nắng hằng ngày
    Giúp người phát triển đổi thay thế tình.

    (Bức tranh trời)

     

  • Mưa :
  • Mưa là kết hợp do Mây,
    Mưa thay đổi dạng mưa xoay tình trời.

    (Mưa)

     

  • Kiếp Hoa :
  • Kiếp hoa khoe sắc mơ màng
    Tình yêu sống động vô vàn thương yêu.

    (Kiếp Hoa)

     

  • Hồn :
  • Hồn thiêng tưởng nhớ cảnh trời.
    Quy nguyên giềng mối hợp thời tiến thăng

    (Hồn Thiêng)

     

  • Tu Học :
  • Tu thời gánh nhẹ hai vai,
    Trì tâm tiến hóa đạt ngày vinh quang;

    (Đường về Thiên Thai)

     

    Chúng ta tu, tu sửa tiến hoài
    Chúng ta tu, tu không vọng động sửa sai nhẹ nhàng

    (Chúng ta tu)

     

  • Pháp Luân Thường Chuyển :
  • Hít vô nguyên lý đạo mùi
    Thanh không bàn cải an vui chơn hồn

    (Thanh Không)

     

  • Định Thần :
  • Định Thần phát triển hào quang,
    Đạo tràng khai triển nhiều màn diệu thâm.

    (Tiên Giới Thiền Tâm)

     

  • Niềm Tin :
  • Quê mẹ sáng chói bốn phương,
    Lòng con nao nức tìm đường về quê

    (Quê Mẹ)

     

  • Xác (Tiểu thiên Địa):
  • Rắc rối không còn khi thanh tịnh
    Long Hổ xoay chiều qui Đạo Pháp

    (Rồng bay)

     

  • Nguyệt quang Phật :
  • Gió mát trăng thanh khắp các miền
    Duyên may trời độ Tâm thanh nhẹ
    Hồn vui hớn hở nhập Tâm Thiền
    Huyền diệu trời ban tự tiến xuyên

    (Trăng Rằm)

     

  • Diệu Pháp :
  • Bước vào diệu pháp chuyển toàn thân,
    Tiến hóa thâm sâu chuyện tối cần.

    (Sứ giả Hoà Bình 3)

Ngoài việc đây là những bài thơ Đạo để phổ nhạc, các bài thơ này còn là quan niệm căn bản của VÔ VI về những chủ đề được nêu ra, mà tôi thường căn cứ vào đó để tu học và để nhắc nhở mình trong cuộc sống. Cộng với phần nhạc, lời thơ đã chấp cánh bay thẳng vào Hồn người để gieo rắc những ý Đạo đầy thanh tịnh trong sáng. Tôi hành Pháp Luân Thường Chuyển mỗi đêm mà cũng không nén được xúc cảm dạt dào khi nghe những lời thơ siêu diệu này được phổ nhạc một cách thăng hoa không ngờ :

Thanh không phát triển đáy lòng
Gió đưa thanh nhẹ, võng ru lòng người
Thanh không quang chiếu vui cười
Chúng sanh hưởng lạc người người an vui
Hít vô nguyên lý đạo mùi
Thanh không bàn cãi an vui chơn hồn
Nhìn xem vạn lý sanh tồn
Hồn tu hồn tiến hồn ôn lại bài
Thanh không cơ cấu thanh đài
Ai ai cũng muốn hít hoài khí thanh
Hồn vui thanh tịnh thực hành
Về nơi thanh tịnh đời đời vô sanh
Thanh không chẳng có ước mong
Ngoài trong cũng nó, một vòng khai thông

(Thanh Không)



4. PHỔ NHẠC

Các bài thơ của Thiền sư Lương Sĩ Hằng được viết theo thể thơ lục bát hay thất ngôn bát cú. Thành thử các âm điệu phổ nhạc nếu không đa dạng sẽ đem đến sự nghèo nàn hay nhàm chán cho các bản nhạc. Nhưng đây không phải là trường hợp, vì mỗi bài thơ được phổ nhạc là một âm điệu mới. Nếu có những nhạc sĩ đã chọn sự cầu kỳ đa dạng như chỉ trong một đoạn thơ ngắn mà đã sử dụng tới nhiều nhịp điệu khác nhau (Ngựa Trời) hay kỹ thuật điệp câu để tạo quân bình cho âm giai (Bức Tranh Trời, Trăng rằm, Chúng ta tu) hay thêm thắc những câu mới (Tình Đẹp) thì ngược lại cũng có những nhạc sĩ chỉ sử dụng đơn điệu để phổ nhạc, để chuyển nhạc vào thơ và chuyển ý Đạo vào hồn người (Quê Mẹ, Dư Âm... ).

Cách ngắt câu để phổ nhạc cho thơ Lục Bát thường là 2-4 ( hay 2-2-2 hay 4-2 ) cho câu sáu rồi 4-4 ( hay 2-2-2-2 ) cho câu tám.

Có những bài chỉ sử dụng đơn điệu, nhẹ nhàng không cầu kỳ phức tạp nhưng thành công bất ngờ như:

-Kiếp Hoa :

Thân em một kiếp bạc bàn,
kỳ duyên thanh nhẹ đôi hàng lệ rơi...

-Thanh Không :

Thanh không chẳng có ước mong,
ngoài trong cũng nó một vòng khai thông..

-Dư Âm :

Dư Âm siêu giác mối tình ta,
giọng ca tiếng hát chan hòa tình thương..

-Tìm Em :

Khắp phương trời chuyển động bơ vơ...

-Yêu :

Yêu ai chẳng biết biết yêu mình,
yêu trời yêu Phật hành trình quang khai..

Hoặc sử dụng những kỹ thuật đa điệu phức tạp hơn :

-Ngựa Trời :

Dũng mãnh đưa người tâm hiền triết
Dạo khắp càn khôn uyển chuyển hòa
Ý chuyển khắp nơi duyên tuyệt đẹp
Nơi nơi thức tỉnh chẳng còn xa

-Hồn thiêng :

Hướng về nghiêm luật vô sanh,
Bình tâm học hỏi thực hành..

Về thể điệu thì trong THIỀN CA rất là đa dạng. Chúng ta có thể tìm thấy hầu hết các điệu nhạc trong đó, chẳng hạn:

-Giao Hưởng cổ điển Tây phương : Ngựa Trời, Bức tranh trời, Sứ giả Hoà Bình 2...

-Âm hưởng Tàu (Muôn màu: Tâm linh phát triển muôn màu.. )

-Các thể điệu Khiêu Vũ :

-Cha cha cha (Yêu: Yêu trời yêu Phật hành trình quang khai.. - Mưa.., )

-Valse (Hẹn hò: Hẹn hò nhiều kiếp duyên may..

-Kiếp Nào: Đâu ngờ tái tục nợ duyên

-Vui nhộn : Kỷ Nguyên Di Lạc, Bé vui, Tình Đẹp..

-Dân Ca ( Nhớ Mạ, Cái Không, Mưa,... Quê Mẹ, Cô gái Phù sinh...)

-Âm hưởng Nhạc Tiền chiến:

Dư âm siêu giác mối tình ta
Giọng ca tiếng hát chan hòa tình thương
Âm thanh lóng lánh như gương
Động lòng hành giả tìm đường khai minh

(Dư Âm)

Đâu ngờ tái tục ngộ duyên
Từ bao nhiêu kiếp khó yên cõi lòng

(Kiếp Nào)

... làm nhớ lại những nét nhạc nhẹ nhàng của Doãn Mẫn trong Dứt đường tơ hay Tiếng hát quay tơ của Từ Phác những ngày xa xưa.

Phải nghe để thấy những tình cảm trong sáng nhẹ nhàng của nhạc Đạo, chẳng hạn bài thơ của thầy Lương Sĩ Hằng "Thắm Thía Quá Bạn Ơi" lúc nào cũng trên trang bìa của Led Weekly và trở nên rất quen thuộc với bạn đạo:

Lời cao ý đẹp vui hòa,
Thành tâm nhận được món quà yêu thương
Tràn đầy nguyên lý thật siêu...

(Tình Đẹp)

Nhưng nếu các bạn nghe bản nhạc sẽ thấy một không khí khác hẳn hơn là khi mình đọc bài thơ này trên Led Weekly theo nhịp điệu của mình. Bởi vì khi phổ Nhạc, nhạc sĩ đã đem đến một âm điệu mới và thêm thắc những đọan để cân đối cho bản nhạc.

Mỗi nhạc sĩ có một kỹ thuật và một âm điệu riêng để phổ nhạc những bài thơ của Thiền sư Lương Sĩ Hằng và đó cũng là điều thích thú khi tìm hiểu những kỹ thuật khác biệt này, nhất là trước mỗi câu thơ nếu ta đọc lên thì chỉ nghe âm điệu bằng trắc của thể thơ lục bát, nhưng qua đó người nghệ sĩ đã đem tất cả tâm hồn mình để chuyển Nhạc vào Thơ hầu mong đưa Ý Đạo vào Tâm Thức người nghe một cách trực tiếp. Nhìn thấy được những công trình tim óc này chẳng quả là thú vị lắm ư ?

Các bản nhạc này được diễn tả bằng các giọng ca điêu luyện của các ca sĩ tài danh, ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh tới một vài giọng ca quen thuộc như:


-Tiếng hát ngọt ngào, điêu luyện của Hương Lan
-Tiếng hát tròn trịa của Mai Hương,
-Đầy ấp tình cảm của Chí Tâm
-Không vướng bận của Duy Quang
-Khỏe mạnh tươi trẻ của Ngọc Bích
-Trong sáng của Anh Dũng vv.v..vv

5. VẠCH LÁ TÌM SÂU

Tôi tự nghĩ không lẽ mình viết một bài mà chỉ có khen? Phải có một cái gì để chê chứ. Do đó tôi phải áp dụng phương pháp Vạch lá Tìm Sâu may ra bắt được vài con sâu để chứng tỏ sự công bình của mình!.

a) Và con sâu thứ nhứt tôi tìm được là trục trặc kỹ thuật của phổ nhạc bởi luật bằng trắc của thơ không hòa hợp với độ cao của nốt nhạc nên nhiều câu đã được thêm dấu và đổi nghĩa, chẳng hạn như câu thơ:

- Khai thông từ trược tới thanh

trong bản nhạc nghe ra là :

Khai Thông từ trược tới thành.

(Nhớ nhau)

dĩ nhiên là khử trược lưu thanh khác hẳn với khử trược lưu thành phải không ?

hoặc :

- Cảm thông nguyên lý chằng sai (thay vì chẳng sai)

(Vẫn yêu Anh)

(Cũng vì trục trặc kỹ thuật này khiến lúc mới nghe Thiền ca lần đầu tôi thấy nhạc đi đường nhạc và lời đi đường lời.)

Riêng câu sau đây thì tôi phải nghe nhiều lần mà vẫn không đoán được ý nghĩa, phải chờ đến khi đọc được lời Thơ thầy tôi mới hiểu :

Dù cho cách trở gần xa,
Hành hoài cũng tiến cũng hòa chơn như

(Dấu kỷ Niệm)

b) Con sâu thứ hai là một số ca sĩ tuy chứng tỏ giọng ca điêu luyện nhưng đôi khi vẫn chưa thấm nhuần được lời thơ siêu diệu của Thầy nên đôi lúc không diễn tả hết được ý Đạo, chỉ xin đơn cử một thí dụ tiêu biểu như trong bài :

Nhớ trời nhớ Phật bên nhau
Từ quang thanh tịnh chuyển màu thức Tâm

(Nhớ Nhau)

ca sĩ đã hát hầu như từng chữ một khiến cho ý Thơ mất đi nhiều sự mạch lạc.

Dĩ nhiên không có công trình nào mà hoàn bích tuyệt đối. Hai con sâu này chỉ là loại sâu nhỏ (phải vạch lá mới thấy) không làm mất đi được giá trị của Thiền Ca.

6. QUÝ YÊU TÌNH NHẠC

Mỗi bản nhạc trong Thiền Ca Vô Vi là một đóa hoa nở trong vườn hoa nhiều hương sắc. Mỗi đóa hoa có một sắc thái riêng biệt, không có đóa hoa nào giống đóa hoa nào, nhưng tất cả đóng góp cho cái đẹp của Đạo và đem đến sự quân bình cho nội Tâm.

Nếu người xưa dùng văn chương để chở Đạo (Văn dĩ tải Đạo), thì Thiền Ca VÔ VI cũng chỉ là phương tiện để chở Đạo mà thôi. Đến một lúc nào đó khi một bản nhạc được hát lên chúng ta sẽ không còn nghe thấy bản nhạc nữa mà chỉ còn thấy bàng bạc các lời nhắn nhủ của Thầy.

Lúc đó, nhạc đã nhường bước cho Đạo, chỉ còn lại Ý Đạo tràn ngập trong Hồn. Đây mới thật là sự siêu diệu của Thiền Ca. Người nghe sẽ không còn cảm nhận nhạc nữa mà chỉ còn sống với ý thơ, Hồn Đạo, và quên hết mọi trục trặc kỹ thuật âm nhạc, khiếm khuyết của ca sĩ. Nhưng khởi điểm để tiếp thu Ý Đạo là Hồn phải mở rộng ra với Đất Trời, và phải quý yêu tình nhạc một cách thực thà:

Quy nguyên một mối nhiệm mầu
Quý yêu tình nhạc thực thà thức tâm

(Cô Gái Phù Sinh)

Thiền Ca VÔ VI còn là sự nhắc nhở về những chủ đề chính của VÔ VI góp phần cho sự tu học và đem đến sự thanh tịnh cho Hồn. — đây là những lời rất gần gủi của Thầy mà chúng ta đã quen thuộc qua các băng giảng. (Dĩ nhiên càng nghe càng thích và tâm càng trong sáng, vì trong đó chứa đựng những luồng điển lành độ tha !).

Đối với bạn đạo mới như tôi lúc bấy giờ thì cũng là dịp để làm quen với những chủ đề, ngôn ngữ và không khí của VÔ VI. Nó cũng còn là liều thuốc bổ cho tâm linh, vì nó không ủy mị và làm quên đi hết những trần trược, tình, tiền, duyên, nghiệp đang bao vây mình.

7. ĐỂ THAY LỜI KẾT

Tưởng không có gì ý nghĩa, bằng nghe lại những lời tâm sự của Thầy về nguyên nhân hiện hữu của những bài thơ mà Thầy đã làm và đã là nguồn động lực cho những bản nhạc Thiền Ca Vô Vi.

... Thời gian mấy chục năm sống ở hải ngoại lại được thấy rõ tình người hơn, thấm thía từ mỗi khía cạnh, cho nên tôi dày công hành pháp và truyền pháp cho mọi người để cộng hưởng sự hòa bình và dứt khoát của nội tâm. Tôi cảm thấy sự đau khổ của nhân loại là sự đau khổ của chính bản thân tôi. Nhiều khi thuyết giảng, tôi phải rơi lụy để cảm động kẻ hung hóa hiền. Bản chất thiên nhiên sẵn có trong tôi đã và đang cảm động nhiều người đã được nghe qua sự phân tách của tôi khi ngộ nạn, mà tự thực hành tự cứu.

Tôi tìm đủ mọi cách độ tha tại trần.

Người tu càng ngày càng đông, thấm thía lời thơ minh triết của tôi, đã vận động thành một nhóm xây dựng thiền ca để phổ biến triết lý của tôi qua lời ca tiếng nhạc, truyền cảm ở nhơn gian.

Muốn có một xã hội hiểu biết và lành mạnh, cần thật tâm chung sức xây dựng thay vì đả phá!

Bài viết này chỉ phản ảnh tình cảm riêng tư của người viết.

Minh Khải

backTrở về trang trước