Hoàng Thi Thơ
và Thế Giới Thiền Ca: Từ Khi Rock Đến Với Thiền Ca...

của Trường Kỳ

 

Trong đời sống con người, từ rất lâu, âm nhạc đã chứng tỏ được tầm ảnh hưởng rất lớn mạnh của nó đối với mọi tầng lớp cũng như tuổi tác, không phân biệt mầu da hay chủng tộc. Nó đã đi sát với con người trong mọi hoàn cảnh và cảm xúc thường ngày để trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu. Trong phạm vi tôn giáo, âm nhạc cũng được coi như một phương tiện cần thiết để giúp con người dễ dàng đến gần với đời sống tâm linh. Những bài thánh ca Công Giáo, những nhạc phẩm mang mầu sắc Phật Giáo đã cho thấy vai trò quan trọng của âm nhạc về mặt tinh thần. Những phái Thiền, như phái Vô Vi chẳng hạn, đã dùng âm nhạc như một phương tiện được coi là hữu hiệu nhằm đưa con người đến việc tự cải hóa với những bài Thiền Ca. Trong khi hầu hết những nhạc phẩm Việt Nam mang tính cách tôn giáo như Công Giáo hoặc Phật Giáo có những nội dung hướng về đấng Tối Cao bằng những lời ngợi khen hay cầu nguyện thì những nhạc phẩm của phái Vô Vi hướng về con người, để họ theo đó sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc khai tâm, mở trí như người sáng lập ra phái này đã thể hiện qua những bài thơ hoặc ý đạo của mình được phổ thành nhạc, dưới nhiều thể loại. Người sáng lập ra tổ chức bất vụ lợi Hội Vô Vi là thiền sư Lương Sĩ Hằng, được các bản đạo gọi bằng tên thân mật là Thầy Tám Thiền.

Thiền Sư Lương Sĩ Hằng năm nay được đúng 81 tuổi vào ngày 13 tháng 11 tới đây. Ông đề ra phương pháp tu thiền này từ hàng chục năm qua, cho đến nay đã được nhiều người trên khắp thế giới thực hành. Phương pháp này có mục đích mang lại cho người thực hành có được một sức khỏe tốt cùng một đời sống tinh thần tốt đẹp hơn với phương pháp được gọi dưới tên chính thức là Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp, mang nhiều ảnh hưởng Phật Giáo. Phái thiền Vô Vi nhận thấy cần phải có một phương tiện khác hữu hiệu hơn nữa để bổ sung vào việc phổ biến Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp. Cuối cùng, âm nhạc đã được chọn làm phương cách phổ biến đến những người mà họ cho là chưa được khai thông trí đạo và còn đầy rẫy lòng tham, sân, si trong cuộc sống. Như vậy, một lần nữa , âm nhạc đã chứng tỏ được vai trò quan trọng của nó qua những bài Thiền Ca dưới nhiễu thể loại như cổ nhạc, tân nhạc, dân ca, chèo cổ, vv... từ nhiều năm nay đã được đưa vào những chương trình ca, vũ nhạc kịch của Hội Vô Vi. Chương trình Thiền Ca Vô Vi đầu tiên được diễn ra tại Frankfurt tại Đức vào năm 1996. Khán giả đến với chương trình này chỉ vỏn vẹn vào khoảng 200 người. Qua năm 1996, số người tham dự đã lên đến 1000 trong chương trình Thiền Ca Vô Vi tổ chức tại Paris. Ngoài một số nghệ sĩ đông đảo trình diễn, còn có mặt những tên tuổi lớn như Hữu Phước, Việt Hùng và Phạm Duy trong chương trình này. Với đà đi lên theo sự lôi cuốn của âm nhạc, Hội Vô Vi lại đứng ra tổ chức một chương trình Thiền Ca khác vào năm sau đó. Năm 1997, chương trình này mang chủ đề “Sứ Giả Hòa Bình” đã được diễn ra tại Washington, D.C. với số lượng khán giả đông đảo hơn hai năm trước rất nhiều. Qua chương trình này cũng như trong chuyến lưu diễn tại Úc Châu vào năm 1998, những khán giả đến với những bài Thiền Ca ở 3 thành phố Melbourne, Sydney và Perth đã cảm thấy rất thoải mái khi muốn tìm hiểu về phương pháp Vô Vi qua âm nhạc khi thưởng thức những nhạc phẩm được phổ từ thơ hay từ ý đạo của Thầy Tám Thiền của những nhạc sĩ Trần Trịnh, Nhật Ngân, Duy Khánh và Trầm Tử Thiêng.

Từ năm 1999 đến năm 2002, những chương trình Thiền Ca Vô Vi được liên tiếp tổ chức tại nhiều thành phố lớn ở Canada và Hoa Kỳ với những chủ đề khác biệt. Năm 99, chương trình “Anh Và Tôi” được tổ chức tại Toronto, năm 2000, chủ đề “Duyên Lành” tại Philadelphia, năm 2001, chủ đề “Dũng Hành” tại Orlando và năm 2002 vừa qua, chương trình “Khí Giới Tình Thương” đã diễn ra tại thành phố Houston, với sự tham dự của 1800 khán giả. Vào ngày 25 tháng 10 tới đây, một chương trình Thiền Ca qui mô mang chủ đề “Tiếng Trống Đại Đồng” sẽ được tổ chức tại San Jose với sự góp mặt của hàng chục nghệ sĩ đến từ nam California, từ Úc Châu và Canada.

Nhiều nghệ sĩ cho biết họ đã không được thoải mái cho lắm khi nhận lời trình bày những bài Thiền Ca Vô Vi, như Ái Vân chẳng hạn. Cô đã tỏ bầy những cảm nghĩ của sau khi trình bày những khúc Thiền Ca:”trong những cuốn video do Hội Vô Vi thực hiện thì Ái Vân vẫn được cười, vẫn được hát và vẫn được quậy giống như Ái Vân vẫn trình diễn ở bên ngoài.”

Cũng như Ái Vân, những nghệ sĩ khác chỉ sau một, hai lần trình bày những nhạc phẩm Thiền, họ đã dứt bỏ được những e ngại ban đầu. Được như vậy phần lớn nhờ vào tiết tấu và sự du dương của âm nhạc mang đến. Chí Tâm, Anh Dũng, Sơn Ca, Thanh Huyền, Linh Tuấn, vv... cũng là những trường hợp điển hình.

Trong việc đưa âm nhạc vào những bài thơ hoặc ý đạo đến với con người qua những khúc thiền ca được trình bày trên sân khấu hay được đưa vào những sản phẩm audio hay video, người ta có thể chia Thiền Ca này thành 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, từ năm 1998 và trước đó, những nhạc phẩm được gọi là Thiền Ca của Hội Vô Vi có thể gọi là còn nặng nề vì bị giới hạn trong ngôn từ hướng về phần đạo của những bài thơ do thiền sư Lương Sĩ Hằng sáng tác, dù bằng nhiều thể loại khác biệt.

Nhưng qua đến thời kỳ thứ hai, từ năm 1999 trở đi, đã có một sự thay đổi hoàn toàn trong lãnh vực thiền ca của Hội Vô Vi. Chính xác hơn là kể từ khi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vào những năm cuối đời đã rất tích cực góp phần vào việc xây dựng cho dòng nhạc Thiền thêm nhiều sinh khí. Cũng từ khi Hoàng Thi Thơ đến với thiền ca cho đến nay, tức hơn 2 năm sau khi ông qua đời, những sáng tác của ông vẫn giữ một vai trò chủ yếu trong những chương trình Thiền Ca Vô Vi.

Cái khéo của người nhạc sĩ tài hoa này là đưa được những ý đạo, những triết lý Vô Vi vào những sáng tác của mình để trở thành những ca khúc tâm linh nhưng không xa vời với cuộc sống. Thêm vào đó, dòng nhạc của ông đã được trợ lực bằng nghệ thuật hòa âm của nhiều nhạc sĩ tài danh, trong số có người con trai ông là nhạc sĩ Hoàng Thi Thi.

Khi còn sinh tiền, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tuy có một “trái tim đập rất yếu, nhưng rung động rất là mạnh” đã đưa những cảm xúc của mình đến với Thiền Ca vào những năm tháng cuối đời. Trong cuộc đời ông, Hoàng Thi Thơ đã yêu, đã ca hát và cuối cùng đã cầu nguyện nên ông từng nói là “đến giờ vĩnh biệt, tôi không có điều gì ân hận". Từ sự cầu nguyện của mình, với một tâm hồn không còn vướng mắc nợ trần, ông đã đến với Thiền Ca lần đầu tiên với 10 ca khúc được dàn dựng công phu cho chương trình “Anh Và Tôi” tại Toronto.

Ngoài nhạc tình hoặc những nhạc phẩm đượm nét tình tự dân tộc, không kể những trường ca, những nhạc cảnh, Hoàng Thi Thơ không viết một nhạc phẩm thuộc về tâm linh nào, ngoại trừ nhạc phẩm Kinh Chiều. Nhưng sau khi tiếp xúc với Hội Vô Vi, Hoàng Thi Thơ đã đến với Thiền Ca để viết những nhạc khúc thuộc về tâm linh.

Hoàng Thi Thơ công nhận viết nhạc tình dễ dàng hơn nhạc tâm linh, vì miễn có sự rung động là được. Trong khi nhạc tâm linh đòi hỏi một sự chú tâm vào những ý đạo, những triết lý sâu sắc cộng thêm với cảm xúc để thấu hiểu rõ ràng nên rất khó nhất là “ở chỗ làm thế nào cho nó sống động, cho nó dễ hiểu, cho đi vào lòng người tuy là nhạc đạo. Đó là điều rất khó”. Tuy khó, nhưng Hoàng Thi Thơ đã đạt được tất cả những yếu tố cần thiết để viết thành những ca khúc thiền rất thoát.

Riêng với thiền sư Lương Sĩ Hằng là tác giả những bài thơ và ý đạo được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, trong số đặc biệt là Hoàng Thi Thơ, cho biết chủ trương của Hội Vô Vi là đưa Đạo vào Đời bằng âm nhạc với mục đích “dùng thiền ca âm nhạc để người ta nghe, người ta thấm thía và người ta hiểu cuộc đời để họ tự sửa.“

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vĩnh viễn ra đi vào khoảng hơn 8 giờ sáng ngày Chủ Nhật 23 tháng 9 năm 2001 tại nhà riêng ở thành phố Glendale, nam California.

Trước sự sống động, đôi khi kích động với những nhịp điệu rộn ràng như Rock hay Bebop trong những nhạc phẩm thiền kể từ khi xuất hiện những sáng tác của Hoàng thi Thơ, không ít người đã đặr ra câu hỏi đại ý là một khi tu hành hay theo phương pháp thiền thì sự trang nghiêm phải là cần thiết, nhưng tại sao Hội Vô Vi lại tổ chức những chương trình ca nhạc với những âm thanh sôi nổi, tươi vui. Trả lời cho thắc mắc này, thiền sư Lương Sĩ Hằng cho là trong đời sống con người luôn có “tĩnh” và có “động”, như thế mới có được sự quân bình. Thiền là “tĩnh”, âm nhạc – trong đó có Rock And Roll - là “động”, cho nên cần được phối hợp với nhau để có sự quân bình. Theo ông hiện nay thiên cơ đã thay đổi, chấn động khắp nơi nơi. Ông đi đến kết luận: ”Thiên cơ chấn động mà người tu hành không hiểu được sự chấn động của càn khôn vũ trụ thì làm sao trở về với tĩnh được?”

Trường Kỳ

backTrở về trang trước