Thuật Dung Hòa Trong DVD “Hội Tụ Vinh Quang”
do Hội Vô Vi Quốc Tế Thực Hiện
của Kỳ Vũ
Tôi có 2 cảm giác hoàn toàn khác biệt, trước và sau khi thưởng thức chương trình DVD "Hội Tụ Vinh Quang" do Hội Vô Vi Quốc Tế thực hiện nhân dịp Ðại Hội Thiền Ca lần thứ 12 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 08 năm 2006. Và đây cũng là dịp “Kỷ Niệm 25 Năm Ðại Hội Vô Vi” của Hội Vô Vi Quốc Tế. Cảm giác đầu tiên là một cảm giác chứa đựng nhiều... nghi ngờ về khả năng thực hiện một chương trình đại nhạc hội của một tổ chức nặng về tôn giáo và tâm linh. Sao có thể so sánh được với các trung tâm nhạc chuyên nghiệp, tôi tự hỏi như vậy. Hơn nữa, phần nội dung chắc hẳn phải là khô khan, nặng nề không biết mình có... can đảm theo dõi nổi toàn bộ chương trình hay không. Nhưng phải thử mới biết hay, biết dở, mới biết một chương trình nặng về "đạo" khác biệt với một chương trình “đời” nhu thế nào...
Thật sự tôi không ngờ mình đã bị cuốn hút theo diễn tiến của một chương trình giá trị và đặc sắc từ đầu đến cuối. Mặc dù là một chương trình nghiêng về phần đạo với nội dung xây dựng trên những chủ trương của pháp Thiền Vô Vi như “chẳng còn nuôi dưỡng sân si, ngày ngày tu tiến, ngày ngày dựng xây” hoặc như vị lãnh đạo pháp thiền này là thiền sư Lương Sĩ Hằng đã nói là “chúng ta không làm chính trị. Chỉ dấn thân xây dựng tự tu tự tiến mà thôi, thì xã hội vô vi sẽ tốt”, vv.... Nhưng cái nặng, dễ khiến người nghe không phải là bạn đạo Vô Vi... nhức đầu về phần đạo, đã được ngôn từ sử dụng hay âm điệu trong những tiết mục trình bày làm cho nhẹ bớt đi rất nhiều. Chẳng hạn trong hoạt cảnh “Kỷ Niệm 25 Năm Ðại Hội Vô Vi” do Ngọc Huyền và Bạch Mai biên soạn với nghệ thuật ca diễn của hai nữ nghệ sĩ này cùng hai nam nghệ sĩ Bình Tinh và Ngân Tuấn. Tất cả 23 tiết mục được gửi đến người nghe và coi trong DVD “Hội Tụ Vinh Quang” dĩ nhiên đều đặt trọng tâm vào việc quảng bá cho pháp Thiền của Hội Vô Vi Quốc Tế, đã hiện diện từ hàng chục năm nay từ trong nước ra đến hải ngoại. Ðó là lời kêu gọi để “tu sao cho hoà nhịp yêu thương”, để “Tự mình khai triển tự minh” với "chí tâm thanh tịnh trước sau" hay "tâm hồn thanh tịnh, không còn giao động", vv... Toàn là những lời lẽ dễ hiểu. Ngay đến người không quen thuộc với những ngôn ngữ sử dụng trong lãnh vực tôn giáo hay tâm linh như tôi cũng thấy không có gì khó hiểu. Tính cách dung hòa giữa đạo và đời đó càng lúc càng thấy rõ hơn trong suốt chương trình “Hội Tụ Vinh Quang” này. Và đó cũng chính là nghệ thuật dung hoà của những người thực hiện chương trình này qua một vài điểm được ghi nhận dưới đây...
Bên cạnh 2 MC nhà nghề, Phương Quỳnh của Hội Vô Vi cũng đã cho thấy có nhiều cố gắng trong vai trò giới thiệu chương trình. Là hai nữ ca sĩ chuyên nghiệp nổi danh với những ca khúc trữ tình, lãng mạn, nhưng không phải vì vậy mà Diễm Liên và Thanh Hà không lột tả được nội dung của những nhạc phẩm dựa trên lời thơ của thiền sư Lương Sĩ Hằng-Vĩ Kiên. Những nhạc phẩm “Tâm Tư Ca Vang” và “Tình Hè Họp Mặt” do Thanh Hà trình bày, hay “Nhớ Về Cội Nguồn” và “Gặp Nhau Hội Tụ Vinh Quang” do Diễm Liên diễn tả đã chứng minh một cách cụ thể cho nhận xét trên. Tất cả 4 nhạc khúc này đều do Phạm Vinh là tác giả và cũng là người soạn hoà âm. Tú Lan và Lê Thành cũng đều là những khuôn mặt rất quen thuộc trong những chương trình Thiền Ca Vô Vi. Hai nghệ sĩ này cũng là những người trình bày những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Vinh rất đạt. Như “Ðại Ðồng Tu Tiến”, “Bước lên Bậc Thang” (Phạm Vinh sáng tác chung với Hoàng Long và Bửu Võ) do Tú Lan trình bầy. Nhất là nhạc phẩm sau trong điệu Tango nhịp nhàng đã nói lên rất nhiều ý nghĩa của từng bậc thang dựa trên ý đạo. Ngoài ra cũng cần nhắc tới “Tình Người Ðộ Lượng” do Lê Thành và Sơn Ca trình bầy. Riêng Lê Thành còn gây được nhiều chú ý với ca khúc “Ngàn Ðời Vui Tươi” của Phạm Kim và do Phạm Vinh soạn hòa âm.
Về phần Ngọc Huyền, sau vài lần cộng tác với Hội Vô Vi, cô cho thấy đã một phần nào thấm nhuần được những triết lý của pháp Thiền Vô Vi để cô có được những cảm xúc sáng tác được 3 tiết mục mang nhiều ý nghĩa. Tiết mục thứ nhất là một tiết mục cổ nhạc có tựa đề “Công Cha Nghĩa Mẹ” do Ngọc Huyền cảm tác từ tác phẩm “Phụ Ái Mẫu Ái 2” của thiền sư Lương Sĩ Hằng đã được cô trình diễn với nghệ sĩ cổ nhạc lừng danh ở trong nước và cũng là bạn diễn thích hợp nhất với cô khi còn ở Việt Nam. Tiết mục thứ hai là tiết mục Cải Lương Hồ Quảng “Kỷ Niệm 25 Năm Ðại Hội Vô Vi” do Ngọc Huyền cùng biên soạn với nghệ sĩ Bạch Mai, là người cô coi như thầy trong thời gian cô còn ở trong nước. Thứ ba là tiết mục “Thực Hành Tự Cứu” do cô cảm tác từ một băng giảng cùng tên của thiền sư Lương Sĩ Hằng-Vĩ Kiên. Cả ba tiết mục do Ngọc Huyền biên soạn và ca diễn đều mang một giá trị về tinh thần rất cao.
Ngoài những nghệ sĩ từ trong nước ra phối hợp với các nghệ sĩ ở hải ngoại trong chương trình “Hội Tụ Vinh Quang” đã đề cập tới ở trên là Kim Tử Long và Bạch Mai, còn có Bình Tinh và Ngân Tuấn về phía cổ nhạc, còn có một số đông đảo nghệ sĩ khác đến từ miền bắc Việt Nam. Về ca sĩ có 2 tiếng hát Ngọc Diệp và Hoàng Chi với một chất giọng rất tốt, thể hiện trong những nhạc phẩm “Bên Ni Bên Tê”, “Tình Thương”, “Nam Mô Lục Tự Di Ðà” của Châu Phố. Nhạc phẩm sau có thêm tiếng hát của Tuấn Phương. Một tiếng hát rất vững vàng trong những ca khúc “Cõi Sinh” của Nguyễn Cường và “Mưa” của Trầm Tử Thiêng. Tất cả 3 nhạc phẩm của nhạc sĩ Châu Phố nhắc tới ở trên đều mang những âm điệu cổ điển, vừa Tây Phương, vừa phảng phất nét Ðông Phương được dàn dựng với nhiều công phu, với phần vũ phụ họa được thể hiện một cách rất ý nghĩa. Nh?ng tiết mục của Châu Phố được đánh giá là hoành tráng hơn cả phải kể đến tiết mục mở đầu cho chương trình mang chủ đề “Hội Tụ Vinh Quang” do Ngọc Diệp trình bày với phần phụ họa của Ca Ðoàn Vô Vi và Vũ Ðoàn Lạc Việt và do nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến soạn hoà âm. Vũ đoàn Lạc Việt, nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến và ca sĩ Tuấn Phương đều là những nghệ sĩ đến từ miền bắc Việt Nam, đã có những đóng góp đáng kể cho sự thành công của chương trình “Hội Tụ Vinh Quang”. Một công trình sáng tác và phối âm khác của nhạc sĩ Châu Phố là nhạc phẩm “Nước Việt Nam” do Nguyễn Mạnh Tiến phối khí cũng được coi như một tác phẩm không những có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn mang nhiều ý nghĩa về mặt tư tưởng.
Dựa trên những chi tiết vừa đề cập tới, người ta sẽ thấy một cách rõ rệt hơn về nghệ thuật dung hoà trong chương trình Thiền Ca Vô Vi “Hội Tụ Vinh Quang” tổ chức tại Bangkok. Việc chọn địa điểm cũng đã là một sự dung hoà căn bản. Với địa điểm tổ chức là Bangkok, ngoài sự tham dự của các khán giả là những bạn đạo Vô Viợ hải ngoại, đây là một địa điểm gần với Việt Nam, nên việc tham dự của các bạn đạo trong nước đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Do đó, được biết có khoảng gần 500 người từ nhiều tỉnh ở Việt Nam đã sang tham dự, chiếm gần một nửa tổng số khán giả. Về mặt nội dung chương trình, đó là một sự hài hòa giữa “cổ” và “tân” . “Cổ” nói đây là những tiết mục cổ nhạc hay những tiết mục mang âm điệu cổ điển hay dân ca xây dựng trên ngũ cung. “Tân” tượng trưng cho những nhạc phẩm đậm nét nhạc thời trang Tây Phương. Một cách cụ thể hơn, người ta có thể so sánh những nhạc phẩm của Châu Phố và Phạm Vinh đã đề cập tới ở phần trên để có được một nhận xét chính xác. Người ta sẽ thấy nhạc cổ điển Tây Phương hoặc nhạc dân ca Việt nam dung hoà với âm điệu của mambo, của Cha Cha hay Tango trong những ca khúc của hai nhạc sĩ làm nền tảng cho nội dung của chương trình này. Về điểm đó nhóm thục hiện đã đạt được mục đích của mình khi người nghe không bắt buộc phải hoàn toàn theo một khuynh hướng nào. Mới bắt đầu cảm thấy nặng nề với phần hợp ca, phần hát bè hay với những âm điệu có phần nào kinh điển, đã được ngay những âm thanh tiết tấu rộn rã ùa đến kéo về với những cảm giác vui tươi, nhộn nhịp. Nghệ thuật dung hoà về âm điệu đã không để người nghe lâm vào tình trạng nhàm chán, nhất là đối với một chương trình đặt trọng tâm vào một nội dung tôn giáo và tâm linh. “Cổ” và “Tân” còn dung hoà, phối hợp với nhau rất chặt chẽ về mặt y trang. Những chiếc áo tứ thân cổ truyền, những áo dài, khăn đống, khăn mỏ quạ giao duyên rất đàm thắm với những y phục thời trang như y phục dạ hội, những kiểu áo dài mới và nhất là những trang phục bắt mắt và đôi khi có phần... mát mẻ của những nữ vũ công. Ai bảo Vô Vi bắt buộc phải luôn luôn kín đáo, luôn luôn chững chạc trong y phục?. Vậy đó cũng phải coi như một điểm dung hòa đặc biệt giữa “đạo” và “đời” vậy. Tóm lại phần y trang của chương trình “Hội Tụ Vinh Quang” đã cho thấy một nghệ thuật thiết kế rất đáng khen. Thêm một thuật dung hòa khác cần phải nhắc tới. Ðó là thuật dung hòa giữa cái “tĩnh” và “động”.. Tôi đã hình dung ra một hình ảnh “tĩnh” của những tiết mục chỉ có một hay hai ca sĩ đứng trình bày một nhạc phẩm trên sân khấu. Sự lôi cuốn của những tiết mục đó chắc chắn sẽ thiếu đi phần hào hứng khi không có phần phụ họa của những vũ công. Ðó chính là điểm “động” trong nghệ thuật dung hòa về phần chương trình của DVD “Hội Tụ Vinh Quang”. Người viết bài này có thể khẳng định là những màn vũ phụ họa đã đóng góp một phần rất quan trọng cho chương trình Thiền Ca Vô Vi “Hội Tụ Vinh Quang”. Trên 10 nam nữ vũ công của vũ đoàn Lạc Việt từ trong nước ra, dưới nghệ thuật biên đạo của Tuyết Minh đã hoàn thành một cách tốt đẹp nhiệm vụ được giao phó. Ngoài ra cũng thể không nhắc tới những bộ phận phụ trách về trang điểm cho nghệ sĩ hay bộ phận âm thanh, ánh sáng, thu hình, vv... Tất cả đã cho thấy tính cách chuyên nghiệp của mình.
Với một tổ chức tâm linh như Hội Vô Vi Quốc Tế, qua bộ phận Vo Vi Multimedia Communications, việc thực hiện được một chương trình video giá trị trên DVD như vậy thật sự đã gây ngạc nhiên cho người thưởng thức, dù không phải là bạn đạo của tổ chức này...
Kỳ Vũ
January 2007